Xanh hóa để tìm đường cho xuất khẩu bền vững

Thứ ba, ngày 02/07/2024

(BDO) Từ đầu năm đến nay, Bình Dương đã hỗ trợ cho các ngành hàng, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã tham gia nhiều đợt xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển xu hướng xanh hóa, bắt nhịp với xu thế thị trường.

Tìm kiếm cơ hội 

Từ đầu năm đến nay tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu đã trở lại khi kim ngạch xuất khẩu tháng 5-2024 trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.086,9 triệu đô la Mỹ, tăng 9,4% so với tháng trước và tăng 17,2% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng hóa đã bắt được nhịp thị trường. 


DN ngành gỗ tại TP.Thuận An được ngành công thương hỗ trợ đổi mới công nghệ

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như: đồ gỗ nội thất, máy móc, thiết bị, hàng dệt may, nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày… đã nỗ lực không ngừng để giữ vững thị trường. 

Cũng trong tháng 5-2024, riêng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ ước đạt 611,8 triệu USD, tăng 10% so với tháng trước, tăng 33,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 19,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 249,5 triệu USD, tăng 18,1% so với tháng trước, tăng 3,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 8,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết: đây là kết quả tích cực trong những tháng đầu năm 2024 trong điều kiện khó khăn, do ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị, chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn. Dù vậy, các DN xuất khẩu gỗ vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, do nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại các thị trường xuất khẩu chính, nhất là thị trường Hoa Kỳ và châu Âu. 

“Đặc biệt, so với thời điểm trước, xuất khẩu gỗ hiện nay đã khác, không còn đơn hàng ký dài hạn 6 tháng hoặc theo năm, thay vào đó, DN làm theo mẫu, giao ngắn hạn và quan trọng là phải chủ động tìm kiếm khách hàng. Để tăng trưởng và phát triển bền vững, ngành gỗ Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung cần chủ động thích ứng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, từ đó đưa ra những thay đổi linh hoạt trong quá trình sản xuất cũng như xuất khẩu. Mặt khác, DN cần phải nỗ lực tận dụng hỗ trợ từ các cơ quan xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới,” ông Nguyễn Liêm chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương: trong năm 2024, tỉnh tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Trong đó, ngành công thương đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển, hỗ trợ cộng đồng DN, tiếp tục đưa sản xuất công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng của tỉnh. 

Trong đó, hỗ trợ các DN chủ động được nguồn nguyên liệu, ký kết nhiều đơn hàng, đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh như chế biến gỗ, máy móc thiết bị, giày dép, dệt may đã có số lượng đơn hàng xuất khẩu mới.

Chậm chân, mất cơ hội

Theo ông Phan Thành Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần may mặc Bình Dương (TP.Thuận An): “Hiện nay, chuyển đổi xanh được xem là tương lai của DN nên nếu chậm chân sẽ mất đi cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi các khu vực nhập khẩu hàng hóa lớn như: châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm. Trong đó, yêu cầu từ khâu sản xuất nguyên liệu đến khâu hoàn thành sản phẩm phải đáp ứng được tiêu chí xanh, bền vững. DN nào đi trước trong sản xuất xanh sẽ có nhiều cơ hội cạnh tranh với sản phẩm cùng loại đến từ các quốc gia khác”.


Các DN, HTX được ngành công thương hỗ trợ kết nối thị trường tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2024

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, đầu tư cho sản xuất xanh là vấn đề không dễ. Vì đòi hỏi DN phải có vốn lớn để đầu tư máy móc công nghệ mới hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có thể làm chủ được công nghệ… Tuy nhiên, đó là con đường để chuyển đổi tất yếu. 

Bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Sao Nam (TP.Tân Uyên) chia sẻ, hiện nay công ty đang đầu tư thêm từ 30 – 35% vốn để trang bị các máy móc, thiết bị hiện đại hơn. “Muốn theo kịp thị trường, chúng tôi phải liên tục đầu tư, cải tiến. Nếu không cải tiến, DN sẽ bị loại khỏi cuộc chơi”, bà Loan cho hay.     

Đánh giá về tình hình xuất khẩu Bình Dương, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh, những năm qua, xuất khẩu của Bình Dương đang dần phục hồi và có tăng trưởng khá. Tuy nhiên, nhiều khó khăn nội tại và những quy định ngày càng khắt khe từ thị trường xuất khẩu, liên quan đến việc “xanh hóa” chuỗi sản xuất và cung ứng, các tiêu chí phát triển bền vững, sản xuất tuần hoàn... đặt ra thách thức không nhỏ cho DN xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có Bình Dương. Vì thế, DN muốn duy trì đà tăng trưởng ổn định và tìm kiếm các cơ hội xâm nhập sâu hơn, đa dạng hơn vào các hệ thống phân phối lớn toàn cầu buộc phải có kế hoạch chuyển đổi xanh.

Tiểu My-Cẩm Tú