Xăng tăng giá và nỗi lo thị trường bất ổn
Ngay sau khi hai mặt hàng thiết yếu là xăng, dầu và gas được điều chỉnh tăng giá, đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng đã bày tỏ nỗi lo thị trường sẽ bất ổn. Trên thực tế, cũng không khó để nhận thấy giá cả hàng loạt dịch vụ có khả năng đua nhau tăng giá do yếu tố tăng giá đầu vào...
Chỉ cách nhau 10 ngày (20-7 và 1-8), các DN đầu mối đã hai lần điều chỉnh tăng giá xăng, dầu. quyết định điều chỉnh giá quá gần và nhanh khiến nhiều người tỏ
ra lo lắng. Bà Nguyễn Thị Hai (phường Lái Thiêu, TX.Thuận An), cho biết giá xăng tăng chắc chắn sẽ có những tác động đầu vào của DN và gián tiếp tác động đến giá cả của nhiều sản phẩm và dịch vụ khác nhau; trong khi đồng lương không thể xét tăng thường xuyên thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp. Các anh, chị em công nhân nơi tôi làm việc hiện rất lo lắng, bởi áp lực giá tăng luôn là nỗi ám ảnh đe dọa cuộc sống hàng ngày của chúng tôi.
Giá các loại lương thực thực phẩm tại siêu thị tương đối ổn định do có nguồn cung dồi dào
Hiện Liên bộ Tài chính - Công thương đã trao quyền tự chủ cho phép DN được quyền điều chỉnh giá xăng, dầu khi giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành, thời điểm do DN chủ động. Quyết định có vẻ hợp lý, nhằm tạo tính chủ động theo cung cầu thị trường. Tuy nhiên, điều này làm xã hội lo lắng, bởi DN còn thiếu tính tự giác, khi tăng thì tăng nhanh và nhiều; nhưng lúc giảm lại chậm và giảm nhỏ giọt, khiến người dân rất bức xúc. Giám đốc Công ty Cổ phần Phương Trinh Vũ Quang Thanh, cho biết giá xăng, dầu tăng 2 lần vừa qua tuy còn nằm trong kế hoạch kinh doanh năm 2012, nhưng tỷ lệ lợi nhuận của DN đang giảm sút, đơn vị đã phải cắt giảm chi phí đến mức thấp nhất để có thể duy trì hoạt động và hạn chế điều chỉnh tăng giá xe buýt. Giá tăng vài trăm đồng trên một lít xăng, dầu cỏ vẻ ít nhưng khi tính tổng chi phí thì tăng rất nhiều. Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần TMDL Bản Sắc Việt Nguyễn Văn Tấn, bày tỏ: “Tất cả các chi phí dịch vụ ăn uống, trong đó có phí xăng, dầu đều tăng, khiến DN càng thêm lo! Bởi chúng tôi không thể tùy tiện điều chỉnh giá phí du lịch ngay mà phải có lộ trình từng bước thích ứng theo thị trường để có mức giá phù hợp. Công ty chúng tôi cũng đã có kế hoạch tính toán lại chi phí, sắp xếp lại quy trình hoạt động, giảm bớt những dịch vụ, chi phí không cần thiết để có thể giữ giá ổn định trong điều kiện thị trường có nhiều biến động như hiện nay”.
Cũng bắt đầu từ ngày đầu tháng 8, giá gas bán lẻ trên thị trường đồng loạt điều chỉnh tăng 52.000 đồng/bình, lên mức phổ biến từ 350.000 - 370.000 đồng/bình loại 12kg. Nguyên nhân, theo các công ty kinh doanh gas, như: Saigon Petro, Vinagas, Gia Đình gas, Petrolimex... là do giá gas thế giới tăng vọt thêm 177,5 USD/tấn. Chủ cửa hàng gas Lê Hoàng (xã Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một), cho biết người sử dụng gas hiện nay chiếm tỷ lệ khá nhiều, với khoảng 80%, song giá gas tỷ lệ nghịch với nhu cầu tiêu thụ! Cứ giá gas tăng thì người tiêu thụ giảm, khi giá gas tăng quá cao, người tiêu dùng sẽ chuyển qua sử dụng loại chất đốt khác để tiết giảm chi phí sinh hoạt. Đây cũng là điều bình thường trong thời buổi kinh tế khó khăn.
Khảo sát tại một số siêu thị như Co.opMart Bình Dương, Vinatex Dĩ An, Citimart... giá nhiều mặt hàng vẫn giữ như tháng trước. Đại diện một số siêu thị, cho biết hiện giá bán các mặt hàng lương thực thực phẩm tại siêu thị vẫn ở mức ổn định do có nguồn cung ứng dồi dào, nên không xảy ra hiện tượng “té nước theo mưa” hay khan hiếm nguồn cung như ở các chợ truyền thống. Tuy vậy, đại diện các siêu thị cũng cho biết là không tránh khỏi lo lắng xu hướng giá cả hàng hóa sẽ tăng trong thời gian tới. Giám đốc Siêu thị Vinatex Dĩ An Đoàn Thanh Phương, cho biết hiện tại siêu thị chưa nhận được thông báo điều chỉnh tăng giá từ nhà cung cấp, việc cung ứng hàng hóa vào siêu thị phải căn cứ trên nhiều yếu tố, hợp đồng, biến động thị trường, mức tăng và giá tăng theo kỳ, quý chứ không thể có chuyện nhảy giá như ở chợ truyền thống. Tuy nhiên, qua 2 lần tăng giá xăng, cùng với việc tăng giá điện... chi phí đầu vào của DN đang nhích lên, tất nhiên sẽ có những tác động nhất định đến giá hàng hóa trên thị trường. “Hiện nay, khả năng tiêu thụ trên thị trường khá yếu, hàng tồn kho của DN còn nhiều, do vậy việc điều chỉnh giá tăng sẽ là bất lợi đối với người sản xuất, kinh doanh”, ông Phương dự báo.
TRÚC HUỲNH