Xăng dầu 10 lần giảm giá, cước vận tải vẫn đứng yên
(BDO) Đây là lần thứ 10 liên tiếp trong năm giá xăng dầu được điều chỉnh giảm với tỷ lệ lần sau giảm cao hơn lần trước. Chỉ riêng với xăng, tổng mức giảm sau 10 lần điều chỉnh đã đạt 5.400 đồng/lít nhưng cước phí vận tải nhìn chung vẫn “đứng im”.
Taxi Vinasun là 1 trong 2 doanh nghiệp taxi đầu tiên của tỉnh đăng ký giảm giá cước sau khi xăng dầu giảm giá.
Ảnh: D.CHÍ
Chỉ… 1 đơn vị đăng ký giảm giá cước
Theo các chuyên gia, xăng dầu đóng vai trò quyết định trong việc hình thành giá cước vận tải. Trong đó xăng chiếm từ 40 - 45% giá thành, chủ yếu là xe taxi; 35 - 40% giá thành đối với xe chạy dầu, bao gồm ô tô vận tải hành khách, hàng hóa…
Ông Phạm Quốc Trực, Phó Giám đốc Taxi Vinasun Chi nhánh Bình Dương, đơn vị taxi duy nhất trên địa bàn tỉnh cho đến thời điểm này (ngày 24-11) đăng ký giảm giá, cho biết Taxi Vinasun là một thương hiệu lớn được người tiêu dùng tín nhiệm, bình chọn đạt nhiều giải thưởng uy tín. Vì vậy trách nhiệm của hãng là phải bảo đảm hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp và khách hàng. Trước tình hình giá xăng dầu liên tục giảm, ngày 14-11 vừa qua giá cước đã được Vinasun điều chỉnh giảm 500 đồng/km trên toàn hệ thống đối với các loại phương tiện vận tải từ 5 - 8 chỗ của Viansun. Việc điều chỉnh này là do doanh nghiệp chủ động đề xuất lên Hiệp hội Taxi, chứ không đợi trên yêu cầu hoặc thông báo mới bắt đầu giảm.
Trên lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, ở tuyến đường dài liên tỉnh, hầu hết doanh nghiệp vẫn chưa đưa ra thông tin gì liên quan đến việc giảm giá cước, dù Sở Giao thông - Vận tải đã nhiều lần ra văn bản khuyến cáo, đề nghị. Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Bến xe khách tỉnh, cho biết: “Qua tham khảo các doanh nghiệp chúng tôi nhận được câu trả lời: Các lần điều chỉnh tăng giá cước trước đây đều dựa trên nguyên tắc “cộng dồn” đến mức cao nhất mới điều chỉnh, nên muốn giảm thì cũng phải chờ khi giá xăng dầu giảm đến mức thấp nhất rồi mới quyết định. Hiện tại lượng hành khách đi các tuyến liên tỉnh cũng đã giảm mạnh, nếu giá cước tiếp tục giảm nhà xe sẽ không đủ bù đắp chi phí. Các doanh nghiệp cũng rất băn khoăn với tình trạng giá cả lên xuống bất thường; vừa điều chỉnh giảm thì giá lại tăng, trong khi thủ tục điều chỉnh giá rất phức tạp, mất thời gian vì phải qua nhiều bước đăng ký từ Sở Giao thông - Vận tải đến Sở Tài chính…”.
Đủ lý do để chưa giảm giá
Ông Nguyễn Thanh Sơn, tài xế lái xe tải nhiều năm kinh nghiệm, chia sẻ: “Đâu chỉ ngành vận tải chịu ảnh hưởng trực tiếp đến giá xăng dầu, mà cả con cá, cọng rau, hạt gạo, tô mì mình ăn hàng ngày cũng chịu ảnh hưởng không trực tiếp thì cũng gián tiếp. Nhưng có ai thấy mấy thứ đó treo bảng giảm giá gì đâu? Nguyên nhân theo tôi là do nhiều loại chi phí vô hình lẫn hữu hình đều tăng như phí cầu đường, phí gửi xe, cước phà đò, lương bổng cho nhân viên đều tăng nên rất khó điều chỉnh giảm; xăng dầu tuy chiếm tỷ trọng lớn trong việc hình thành giá nhưng lại có giá trị không cao so với các loại chi phí khác cộng lại”.
Một giám đốc doanh nghiệp (đề nghị được giấu tên), cho biết giá xăng dầu giảm lẽ ra cước vận tải phải giảm, trong đó dễ thấy nhất là cước taxi vì từ phí cầu đường, phí qua phà đến phí chờ đợi… khách hàng đều chi trả hết. Công ty cũng không trả lương cho người lao động mà chuyển sang ký kết hợp đồng ăn chia theo tỷ lệ %, nên lẽ ra giá xăng dầu giảm thì cước taxi phải giảm. Đằng này một số hãng taxi còn tìm cách “móc túi” khách hàng bằng cách lắp đồng hồ “ma” có gắn thiết bị điều khiển từ xa để ăn gian cước phí”.
Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, trên địa bàn Bình Dương hiện đang phổ biến hình thức đi taxi phải thỏa thuận giá trước vì đồng hồ tính tiền lái xe thường giấu trong tablo chứ không đặt công khai trước mắt khách hàng như một số hãng có uy tín. Đặt câu hỏi “vì sao phải làm vậy”, chúng tôi nhận được ngay câu trả lời từ một tài xế taxi đã bỏ nghề: “Không làm vậy làm sao ăn gian khi khách đi chỉ 600m mà đồng hồ đã báo 1km hoặc hơn thế nữa”.
Nói về hiện tượng làm ăn dối trá trên vị giám đốc nói trên, chia sẻ: “Một số hãng lớn có thương hiệu người ta quản lý rất chặt đồng hồ. Người lái không được đụng vào vì nó được niêm chì cẩn thận và cơ quan có thẩm quyền thường xuyên kiểm tra. Nếu phát hiện chỉnh sửa, công ty sẽ bị phạt nặng và xe đưa vào kinh doanh là xe của công ty nên người lái chỉ lo việc lái, chăm sóc khách hàng cho thật tốt là có thu nhập. Còn lại một số hãng nhỏ do nhiều lý do khác nhau mà người ta cho phép bên ngoài gửi xe vào kinh doanh bằng hình thức “nhượng quyền thương hiệu”, tức là doanh nghiệp taxi cho phép xe bên ngoài được “thuê” logo, thương hiệu của doanh nghiệp cũng như tổng đài đón khách với chi phí cố định hàng tháng. Còn lại các vấn đề khác như đưa đón khách, cước phí… chủ xe tự lo. Từ đó phát sinh tệ nạn “chặt chém” giá, gây khó khăn cho hành khách. Trong trường hợp này dù công ty có chủ trương thông báo giảm giá cước thì chủ xe vẫn cứ làm ngơ. Bởi vì khi nào chủ xe không trả đủ tiền thuê thương hiệu cho công ty thì công ty cắt đài, còn chuyện tính tiền thế nào là chuyện của chủ xe với hành khách. Công ty đâu có trả lương cho chủ xe nên rất khó xử lý, yêu cầu gì được”.
Ông Trương Thế Minh, chủ doanh nghiệp Taxi Minh Giang (TX.Dĩ An) trước đây, cho biết: “Do sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường và vô số những khó khăn phiền toái tôi đã quyết định bán công ty, chuyển sang nghề khác, dù taxi là nghề mà tôi chọn để khởi nghiệp”.
Thỏa thuận là chính
Bình Dương là tỉnh đang phát triển mạnh về công nghiệp nên nhu cầu về vận tải hàng hóa là rất lớn. Nhiều doanh nghiệp lớn như Tôn Đại Thiên Lộc, Tôn Đông Á, Gỗ Trường Thành, Thức ăn chăn nuôi Lái Thiêu… thường lập luôn doanh nghiệp vận tải bên cạnh hoặc liên kết với doanh nghiệp thành viên để mở doanh nghiệp vận tải theo hình thức “công ty mẹ, công ty con” để vừa bảo đảm công việc vừa tiết kiệm chi phí. Còn lại hầu hết doanh nghiệp sản xuất đều có “đối tác chiến lược” là những doanh nghiệp vận tải chuyên nghiệp chuyên lo xuất nhập nguyên liệu, vận chuyển thành phẩm theo yêu cầu của khách hàng, kể cả những công việc ngoài chuyên môn như khai thuế hải quan, liên hệ kho bảo quản…
Để bảo đảm ổn định công việc, không bị tác động mạnh bởi giá cả thị trường hai bên thường ký kết hợp đồng giá thời hạn theo năm hoặc theo thời vụ. Trường hợp những doanh nghiệp, cơ sở nhỏ có nhu cầu vận tải không thường xuyên mới chịu mức giá cao hoặc phải thỏa thuận theo từng chuyến. Giám đốc một công ty vận tải chuyên nghiệp, cho biết: “Các doanh nghiệp vận tải phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn nên bên nào ra giá cao sẽ rất dễ bị mất khách. Sở dĩ các nhà vận tải chậm điều chỉnh giá cước là do từ đầu năm Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã siết chặt quản lý tải trọng xe nên doanh nghiệp vận tải lâm vào khó khăn, trong khi hợp đồng đã ký với doanh nghiệp thì không được điều chỉnh. Nên giá xăng dầu giảm là cơ hội để các doanh nghiệp bù đắp lại chi phí do phải giảm tải trọng/số lần vận chuyển”.
Hiện tại Bình Dương có 7 hãng xe taxi đăng ký hoạt động là Mai Linh, Vinasun, Minh Giang, Thanh Lễ, Thắng Lợi, Sài Gòn, Bình Dương. Từ đầu năm đến nay, Bộ Công thương đã 10 lần liên tiếp điều chỉnh giảm giá xăng dầu với mức giảm là 5.400 đồng/lít, nhưng các hãng vận tải hành khách công cộng bằng taxi vẫn vô tư kìm giá. Theo lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải, đến thời điểm này chỉ có duy nhất 1 đơn vị taxi trên địa bàn tỉnh đăng ký giảm giá là taxi Vinasun.
DUY CHÍ