Xâm phạm quyền tác giả trong kinh doanh thương mại điện tử - Thực trạng và một số khuyến nghị
(BDO) Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế số trong thế kỷ XXI. Với khả năng kết nối toàn cầu và tạo ra vô số cơ hội kinh doanh mới, TMĐT đã giúp các cá nhân và doanh nghiệp tiếp cận thị trường dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích rõ rệt, sự phát triển vượt bậc của TMĐT cũng đặt ra một thách thức lớn trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là quyền tác giả.
Theo đó, xâm phạm quyền tác giả không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển văn hóa, giáo dục, và niềm tin của người tiêu dùng. Đây là vấn đề không thể phớt lờ, đòi hỏi sự nhìn nhận nghiêm túc và giải pháp hiệu quả.
Một trong những thực trạng đáng lo ngại hiện nay là sự gia tăng các hành vi xâm phạm quyền tác giả trong TMĐT. Những hành vi này thường diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi, điển hình là việc phát hành trái phép các nội dung số như sách, nhạc, phim dưới dạng tệp tin điện tử hay phân phối các sản phẩm giả mạo qua các sàn TMĐT lớn như Shopee, Lazada, Tiki,…. Nhiều tác phẩm văn hóa, giáo dục và khoa học bị sao chép, dán tem giả sau đó được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Những hành vi này không chỉ gây thất thu lớn cho các tác giả, nhà xuất bản mà còn làm xói mòn giá trị sáng tạo và lòng tin của người tiêu dùng.
Theo Điều 28 Luật Sở Hữu Trí Tuệ hiện hành được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022 (sau đây gọi tắt là Luật Sở Hữu Trí Tuệ) quy định các hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Theo đó, có thể hiểu về nguyên tắc, hành vi xâm phạm quyền tác giả là việc cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi trái phép, xâm phạm đến tác phẩm được pháp luật Sở hữu trí tuệ bảo vệ, hành vi trái phép, xâm phạm đến tác phẩm của tác giả hoặc chủ sở hữu mà không có sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu của tác phẩm. Vì vậy, mục đích của sự tồn tại bảo hộ quyền giả là điều cần thiết.
Việc bảo hộ quyền tác giả không chỉ là công cụ pháp lý bảo vệ thành quả sáng tạo, mà còn là sự thừa nhận và tôn vinh giá trị lao động trí tuệ của cá nhân, tổ chức trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học. Đây là động lực thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo, tạo môi trường khuyến khích các tác giả tiếp tục cống hiến, từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển văn hóa, nghệ thuật, khoa học.
Việc bảo vệ quyền tác giả mang lại không chỉ lợi ích tinh thần mà còn lợi ích vật chất cho tác giả thông qua việc khai thác tác phẩm. Điều này bù đắp phần nào công sức, thời gian, và chi phí mà họ đã đầu tư vào quá trình sáng tạo, đồng thời tạo tiền đề để phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan, mang lại giá trị kinh tế bền vững.
Hậu quả của việc xâm phạm quyền tác giả là vô cùng nghiêm trọng. Trước tiên, về kinh tế, các tác giả và nhà xuất bản bị mất đi nguồn thu hợp pháp, trong khi các tổ chức kinh doanh vi phạm lại thu lợi bất chính. Về mặt xã hội, sự phổ biến của các sản phẩm giả mạo làm suy giảm giá trị giáo dục và văn hóa, khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào thị trường trực tuyến. Quan trọng hơn, sự thiếu bảo vệ quyền lợi hợp pháp còn làm suy yếu động lực sáng tạo, cản trở sự phát triển của văn hóa và nghệ thuật.
Để đối phó với tình trạng này, cần có các giải pháp đồng bộ và hiệu quả nhằm bảo vệ quyền tác giả trong TMĐT. Trước hết, cần xác thực danh tính tài khoản kinh doanh trực tuyến. Các tài khoản này phải liên kết với căn cước công dân hoặc số điện thoại chính chủ, giúp cơ quan chức năng dễ dàng truy vết đối tượng vi phạm. Đây là bước đầu tiên quan trọng để kiểm soát các hành vi vi phạm trên các sàn TMĐT.
Bên cạnh đó, cần thiết lập cơ chế kiểm soát nguồn gốc sản phẩm. Các sản phẩm giao dịch trực tuyến phải có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp. Các tài khoản kinh doanh cần được yêu cầu báo cáo định kỳ về nguồn gốc và doanh thu sản phẩm cho cơ quan quản lý. Điều này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro phân phối các sản phẩm vi phạm bản quyền.
Công nghệ hiện đại cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền tác giả. Các giải pháp như blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể được áp dụng để giám sát, phát hiện và xử lý nhanh chóng các hành vi vi phạm. Blockchain giúp xác minh nguồn gốc tác phẩm, trong khi AI có thể phát hiện các nội dung bị sao chép hoặc phân phối trái phép. Đồng thời, các nền tảng mạng xã hội và sàn TMĐT cần chịu trách nhiệm gỡ bỏ các nội dung vi phạm khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng.
Ngoài ra, việc tăng cường chế tài xử phạt là cần thiết để răn đe các hành vi vi phạm. Các hình phạt nghiêm khắc như phạt hành chính, phong tỏa tài khoản kinh doanh, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp tái phạm sẽ giúp nâng cao tính nghiêm minh của pháp luật. Song song với đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các nền tảng TMĐT để xử lý kịp thời các khiếu nại liên quan đến quyền tác giả.
Cuối cùng, tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng là giải pháp dài hạn nhưng không kém phần quan trọng. Người tiêu dùng cần hiểu rõ rủi ro khi mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc và nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch. Các chiến dịch tuyên truyền cần tập trung vào việc hướng dẫn cách nhận biết sản phẩm chính hãng, đồng thời khuyến khích báo cáo các hành vi vi phạm để bảo vệ quyền lợi chung.
Tóm lại, việc xâm phạm quyền tác giả trong TMĐT không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là thách thức về văn hóa và kinh tế trong thời kỳ số hóa. Việc bảo vệ quyền tác giả không chỉ nhằm tôn vinh giá trị sáng tạo mà còn góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, minh bạch và bền vững. Với sự phối hợp giữa pháp luật, công nghệ và ý thức cộng đồng, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát và giảm thiểu tình trạng này, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số trong tương lai.
Minh Tiến – Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương