Xác minh tố cáo việc tiền gửi tiết kiệm chuyển thành hợp đồng bảo hiểm
(BDO)
Quang cảnh buổi họp báo.
Sáng 30/6, Bộ Công an, Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế và Buôn lậu (C03) đã thông tin tại họp báo về một số vấn đề tố cáo của người dân về việc tiền gửi tiết kiệm của khách chuyển thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ liên quan đến Công ty Bảo hiểm Manulife và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) cũng như những sai phạm về sách giáo khoa.
Xác minh tố cáo "hô biến" tiền gửi tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm
Về diễn biến điều tra vụ nhiều người dân gửi đơn tố cáo về việc tiền gửi tiết kiệm của khách chuyển thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ liên quan đến Công ty Bảo hiểm Manulife và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).
Trả lời câu hỏi của phóng viên, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế và Buôn lậu) cho biết quá trình điều tra vụ án trên, cơ quan chức năng tiếp nhận nhiều đơn tố cáo của nhà đầu tư.
Đối với tố cáo "hô biến" tiền gửi tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, khi tiếp nhận tố cáo và nghiên cứu, Cục C03 nhận thấy các hợp đồng chuyển từ sổ tiết kiệm sang gói bảo hiểm của Manulife đều rất minh bạch. Các hợp đồng đều có chữ ký của nhà đầu tư.
Trước vấn đề này, Cục C03 đặt ra nhiều vấn đề để xác minh, như: "Có hay không việc lãnh đạo SCB chỉ đạo nhân viên ngân hàng tuyên truyền cho khách hàng chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang gói bảo hiểm; có hay không việc nhân viên ngân hàng sử dụng "nghiệp vụ" để khiến người dân chuyển hợp đồng..."
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành cho biết Cục C03 thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, xác minh vụ việc.
Tuy nhiên, đại diện C03 cũng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, không nên chỉ thấy lãi suất cao mà ký hợp đồng, trong khi chưa hiểu rõ những ràng buộc đằng sau.
Tập trung điều tra, làm rõ về giá sách giáo khoa
Trả lời câu hỏi của báo chí về những sai phạm liên quan đến sách giáo khoa, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục C03 cho biết: Trong nhiều năm qua, tình trạng viết, in ấn, phát hành sách giáo khoa, nhất là về giá sách đã gây bức xúc rất lớn trong dư luận xã hội.
Cùng với đó, vấn nạn sách giáo khoa giả cũng khiến người dân bức xúc, dư luận đặc biệt quan tâm.
Trước tình hình trên, Bộ Công an đã giao nhiệm vụ cho Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế và Buôn lậu điều tra, xử lý những vấn đề liên quan.
Ngay sau khi lãnh đạo Bộ Công an giao, Cục C03 đã chủ động xác lập chuyên án đấu tranh, làm rõ một số hành vi vi phạm, xử lý hành vi in ấn sách giáo khoa lậu.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an cũng tập trung điều tra về giá thành, những dấu hiệu lợi ích nhóm trong sản xuất, phát hành sách giáo khoa.
Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Cục C03 cũng đã chủ động điều tra những sai phạm về vụ án Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam vi phạm về đấu thầu.
Hiện, C03 cũng đang điều tra làm rõ tình trạng phát hành những loại sách giáo khoa, trong đó có những bộ sách tham khảo, đồng thời tập trung chính vào giá thành sách giáo khoa quá cao, cao hơn mức sống của người lao động, nhất là người lao động nghèo.
Trước đó, tháng 2/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Đức Thái, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ."
Cùng tội danh trên, cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên Trưởng Ban Kế hoạch Marketing Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Đồng thời, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam hai người khác gồm: Đinh Quốc Khánh, nguyên Phó Trưởng Ban Kế hoạch Marketing, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam; Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần Giấy Phùng Vĩnh Hưng về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng."
Kết quả điều tra xác định ông Nguyễn Đức Thái đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong việc mua sắm giấy in phục vụ in ấn sách giáo dục, cùng với 3 bị can còn lại vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu cung cấp giấy in, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước./.
Theo TTXVN