Xã Thanh Tuyền (Dầu Tiếng): Phát triển vườn cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch

Thứ tư, ngày 09/10/2013

Theo Nghị quyết của Đảng ủy xã Thanh Tuyền (Dầu Tiếng), từ năm 2012-2015, xã Thanh Tuyền sẽ thực hiện Dự án “Phát triển vườn cây ăn trái đặc sản măng cụt gắn với du lịch”. Hiện nay, dự án mới được triển khai nhưng được người dân rất đồng lòng. Với nỗ lực của địa phương, cộng với lòng dân đồng thuận, dự án đang có nhiều thuận lợi để sớm hình thành, tạo bước phát triển mới cho địa phương.

Ông Trần Văn Lợi chăm sóc vườn măng mới trồng, bên cạnh đó ông còn trồng chuối để lấy ngắn nuôi dài

Thanh Tuyền là một xã nằm ở phía Nam của huyện Dầu Tiếng, dọc theo sông Sài Gòn khoảng 12km, là tâm điểm giữa Địa đạo Củ Chi và hồ Dầu Tiếng. Ngoài ra, Thanh Tuyền còn có tuyến đường bộ và đường thủy chạy song song với nhau tạo sự thuận lợi về giao thông. Đặc biệt, thiên nhiên ưu ái ban tặng cho mảnh đất này những vùng đất phù sa bồi đắp khá phì nhiêu, ít bị lũ lụt, ngập úng, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, nhất là trồng cây ăn quả. Nắm bắt lợi thế đó, Dầu Tiếng đã có chủ trương phát triển xã Thanh Tuyền thành vùng chuyên canh cây măng cụt, nhằm phát triển du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn, tạo thương hiệu sản phẩm măng cụt, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Toàn xã hiện có trên 116 ha cây ăn quả, tập trung chủ yếu ở những vùng đất ven sông Sài Gòn như măng cụt, chôm chôm, sầu riêng, cam, quýt, bưởi, nhãn, xoài… Tuy nhiên, việc chăm sóc cây trồng còn theo kinh nghiệm truyền thống nên vườn cây cho năng suất và chất lượng thấp, hiệu quả kinh tế không cao, không khuyến khích được người dân đầu tư chăm sóc. Ngoài ra, 230 ha lúa cũng đang là nỗi lo lắng cho nông dân khi thường xuyên bị mất mùa. 715 ha cao su đã và đang cho thu hoạch nhưng giá cả xuống dốc làm người dân “dạ” không yên. Trước tình hình trên, địa phương đã tổ chức nhiều buổi tập huấn khoa học kỹ thuật; giới thiệu mô hình trồng cây ăn trái chuyên canh; gợi mở hướng đi khả quan cho trái cây Thanh Tuyền. Từ đó, nhiều hộ dân an tâm đầu tư phát triển vườn cây ăn trái, đặc biệt là măng cụt.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tuyền Huỳnh Văn Dưỡng, cho biết: Người dân trong xã đa phần “đua” nhau trồng cao su, với hy vọng đổi đời. Tuy nhiên, giá cao su bấp bênh, nhiều người dân đang “e ngại”. Nếu so sánh giá cao su hiện nay, trồng măng cụt cho thu hoạch cao hơn, công chăm sóc nhẹ nhàng hơn. Tại Thanh Tuyền, cây măng cụt đã được trồng hơn 20 năm. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên cho năng suất và chất lượng cao. Cụ thể, năm 2011, măng cụt Thanh Tuyền đã đoạt giải nhất Hội thi Trái cây miền Đông Nam bộ tại Khu du lịch Suối Tiên và năm 2013 đoạt giải nhì.

 “Việc phát triển vùng chuyên canh cây măng cụt ở Thanh Tuyền đang mở ra một hướng mới cho phát triển kinh tế của địa phương; góp phần tạo thương hiệu sản phẩm trái măng cụt, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ngoài ra, đây cũng là tiền đề kích thích người dân đồng tình hưởng ứng xây dựng xã nông thôn mới; đồng thời thể hiện sự quan tâm của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân và chính quyền đối với người nông dân, đối với định hướng phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn”.

(Ông Lưu Vĩnh Quốc, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tuyền)

Từ hiệu quả cây măng mang lại, Dầu Tiếng đã ra quyết định phê duyệt Dự án đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây măng cụt tại Thanh Tuyền với 150 ha. Nguồn giống do Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ trực tiếp cung cấp. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn xã đã triển khai trồng được 15 ha măng cụt mới. Theo dự án, nông dân sẽ được hỗ trợ 100% chi phí mua và vận chuyển cây giống, hỗ trợ 50% chi phí khai hoang và 30% vật tư; đồng thời được hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật qua 2 lớp tập huấn và hội thảo đầu bờ. Mục tiêu, xây dựng vườn măng cụt có mẫu mã đẹp, năng suất 6 - 8 tấn/ha, cho thu nhập khoảng 150 - 240 triệu đồng/ha/năm… Từ đó, tạo thương hiệu trái măng cụt đặc sản xã Thanh Tuyền.

Dự án được chuyển giao ban đầu trong năm 2013 khoảng 15 ha, nhưng người dân đã đăng ký rất nhiều. Từ đó, có thể thấy người dân chào đón, hy vọng nhiều vào dự án. Gia đình ông Huỳnh Văn Đường, ấp Rạch Kiến đã thử nghiệm trồng măng được 8 năm, với 0,5 ha và đã cho thu hoạch được vài vụ. Theo ông, cây măng cho thu nhập cao hơn cây lúa gấp 2 - 3 lần, công chăm sóc cũng ít hơn. Do đó, gia đình ông đã tích cực tham gia vào dự án để chuyển đổi 1 ha lúa, hoa màu sang trồng măng.

Đối với ông Trần Văn Lợi, ấp Rạch Kiến tuy là hộ nông dân mới đăng ký trồng măng theo dự án của xã. Mặc dù chưa biết kết quả ra sao, nhưng với niềm tin mạnh mẽ vào tương lai do cây măng mang lại, ông và gia đình vui vẻ chuyển diện tích hoa màu sang trồng măng. Ông Lợi, tâm sự: “Thấy cây măng có giá trị kinh tế cao nhưng chúng tôi còn e ngại khi chuyển đổi sang trồng măng. Bởi, chúng tôi sợ không biết cách chăm sóc măng sẽ không cho giá trị kinh tế cao. Sau đó, chúng tôi được Hội Nông dân xã tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, giới thiệu về dự án, chúng tôi rất vui, yên tâm thực hiện. Bà con chúng tôi ai cũng hy vọng dự án sẽ cho chúng tôi cuộc sống ổn định hơn. Bên cạnh đó, vườn cây ăn trái còn kéo theo du lịch sinh thái, cũng tạo cơ hội để người dân có thêm thu nhập”.

 T.LÝ - Đ.TUÂN