Xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo: 40 năm những mùa trái ngọt

Thứ năm, ngày 15/12/2016

(BDO)

 Hôm nay (16-12), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo long trọng tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày thành lập xã. Qua 40 năm, bằng tinh thần đoàn kết, chung vai sát cánh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Hiệp đã biến vùng đất hoang hóa, chịu nhiều tổn thất do chiến tranh trở thành một vùng đất trù phú, đời sống người dân ngày càng sung túc.

 Hạ tầng giao thông nông thôn tại xã Tân Hiệp đã được đầu tư đồng bộ, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: C.SƠN

 Những ai đã từng gắn bó với mảnh đất Tân Hiệp trong thời gian dài là những người cảm nhận rõ ràng nhất sự đổi thay mạnh mẽ của vùng đất này. Tân Hiệp ngày nay hiện ra đầy mạnh mẽ, căng tràn sức sống với những vườn cao su xanh mướt, những tuyến đường nhựa, bê tông phẳng lỳ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, thông thương. Chương trình xây dựng nông thôn mới của xã đã phát huy hiệu quả cao khi hạ tầng kinh tế - xã hội của xã tiếp tục được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vì thế cũng được nâng lên.

Ông Huỳnh Văn Sương (sinh năm 1937) là cán bộ lão thành, tuy tuổi cao, sức yếu, trí nhớ có phần suy giảm nhưng khi được hỏi về giai đoạn đầu khi mới thành lập xã ông vẫn kể ra vanh vách. Ông bảo, Tân Hiệp là vùng đất có truyền thống cách mạng, trước kia là vùng tranh chấp giữa ta và địch trong giai đoạn kháng chiến. Năm 1976, tỉnh Sông Bé quyết định thành lập 4 xã kinh tế mới, trong đó có xã Tân Hiệp. Lúc này, ông Sương là Phó ban Phát triển kinh tế mới của huyện Phú Giáo. Sau giải phóng, đời sống của nhân dân rất khó khăn, trong khi đó, đội ngũ đảng viên, cán bộ tại chỗ không có nên phải điều động từ những nơi khác đến. Thực hiện chủ trương của tỉnh, xã đã tiếp nhận hơn 1.000 hộ dân với khoảng 10.000 nhân khẩu từ TX.Thủ Dầu Một và từ TP.Hồ Chí Minh lên phát triển kinh tế mới.

Đến với vùng đất mới với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn lại không quen với phương thức sản xuất nông nghiệp nên hơn một nửa số người thành thị này không thể chịu đựng nổi lại quay về quê cũ, chỉ còn lại khoảng 50% số hộ dân lập nghiệp quyết tâm bám trụ. Để giúp người dân vượt qua khó khăn, chính quyền đã tiến hành rà phá bom mìn, hỗ trợ nhân dân nơi đây chỉnh trang, xây dựng nhà ở, đào giếng nước, lập ấp, khai hoang, phục hóa, tổ chức sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi để có lương thực, thực phẩm bảo đảm cho cuộc sống. Với sự quan tâm, gần gũi, hỗ trợ của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn này, những người ở lại đã gắn bó, nương tựa, giúp đỡ nhau cùng vươn lên. Qua từng giai đoạn, cuộc sống của nhân dân đã ổn định, niềm tin vào Đảng, chính quyền ngày càng được củng cố…

Những thành quả phấn đấu trong thời gian dài của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Hiệp đã mang lại những mùa trái ngọt. Từ một xã kinh tế mới, lĩnh vực nông nghiệp ban đầu với phương thức thô sơ, lạc hậu chủ yếu sử dụng sức người, tự cung, tự cấp, trong công cuộc đổi mới và hội nhập, qua từng giai đoạn phát triển, đến nay, kinh tế - xã hội của Tân Hiệp đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Theo ông Vũ Hải Lý, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp, những kết quả trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thông qua chương trình này, Đảng ủy đã tập trung lãnh đạo, sắp xếp lại quy hoạch sản xuất, kinh doanh, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; vận động nhân dân thay đổi tư duy, nếp nghĩ cách làm. Qua thực hiện, phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, mang lại những kết quả tích cực, thực sự trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã phát triển.

Vượt qua những khó khăn, Tân Hiệp ngày nay trở thành vùng “đất lành” thu hút nhiều người dân từ nhiều vùng đất khác đến sinh sống và lập nghiệp. Hiện toàn xã có 1.200 hộ dân với gần 6.000 nhân khẩu. Để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân, Tân Hiệp đã tập trung nhiều nguồn lực, trong đó có sự đóng góp đáng kể của nhân dân để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống điện và hạ tầng giao thông. Đến nay, các tuyến đường giao thông trọng yếu của xã đã được trải nhựa; hơn 70 tuyến đường nội đồng, đường trục xóm, khu dân cư dài hơn 40km được đầu tư cứng hóa bằng sỏi đỏ, trong đó có gần 5km được bê tông hóa. Các tuyến đường điện nhánh rẽ vào các khu đông dân cư đã và đang được quan tâm đầu tư để nâng cao chất lượng điện và bảo đảm an toàn cho người dân. Lĩnh vực văn hóa - xã hội của xã có bước phát triển rõ nét và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống trường học 4 cấp được đầu tư khang trang đồng bộ. Năm 2001, xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; năm 2010 đạt chuẩn phổ cập bậc trung học; năm 2012 đạt chuẩn phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng Đảng đạt kết quả cao, chính quyền được củng cố, kiện toàn bảo đảm cho sự phát triển của địa phương…

Ông Vũ Hải Lý, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp cho biết: “Thành tựu của xã trong 40 năm qua là rất đáng phấn khởi và tự hào. Đây chính là kết quả tất yếu, thể hiện sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân và sự phấn đấu không ngừng nghỉ của bao lớp cán bộ, đảng viên, nhân dân. Trong đó, phải kể đến những cán bộ, đảng viên cốt cán đầu tiên; những hộ dân với sự quyết tâm bám trụ, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách trong buổi đầu. Những tập thể, cá nhân này đã thắp sáng và giữ ngọn lửa niềm tin, là người gieo trồng, chăm sóc cây đời xanh tốt để cho những mùa quả ngọt hôm nay”.

 CAO SƠN