Xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên: Bộ mặt nông thôn đổi thay nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Thứ sáu, ngày 27/02/2015

Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, hiệu quả của Đảng bộ xã, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế một cách phù hợp, những năm qua, kinh tế - xã hội của xã Tân Bình đạt được những kết quả nổi bật.

(BDO) Khi ý Đảng, lòng dân là một, bộ mặt nông thôn của xã Tân Bình đang ngày càng đổi thay rõ nét

Ông Bùi Hữu Phong, Bí thư Đảng ủy xã Tân Bình cho biết, trong nhiệm kỳ qua, Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững. Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung định hướng, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách mạnh mẽ. Các mô hình nông nghiệp trồng cây ngắn ngày kém hiệu quả được chuyển đổi sang các mô hình chuyên canh, chăn nuôi heo, bò, gà… Bên cạnh đó, công tác chăm lo, hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khó khăn, giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông thôn được quan tâm. “Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể xã đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế hộ gia đình. Song song đó, các tổ chức đoàn thể còn hướng dẫn cho người dân tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham quan học hỏi các mô hình kinh tế các địa phương khác để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất...”, ông Phong nói.

Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống của người dân trong xã cũng từng bước được cải thiện, thu nhập không ngừng được nâng lên; hộ nghèo giảm, hộ khá, giàu tăng. Cụ thể, đầu nhiệm kỳ, số hộ nghèo của xã là 40 hộ, đến cuối năm 2014 chỉ còn 10 hộ, chiếm tỷ lệ dưới 1% tổng số hộ dân. Thu nhập bình quân đầu người của xã Tân Bình hiện đã đạt 31 triệu đồng/người/năm. Cũng theo ông Phong, có được những kết quả này, bên cạnh việc Đảng ủy xã đề ra những chủ trương phát triển kinh tế - xã hội sát với tình hình thực tế còn có sự đồng lòng, quyết tâm của người dân trong việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Người dân trên địa bàn xã cũng nhanh nhạy trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cần cù trong lao động, phát huy lợi thế địa phương, góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã nhà.

Đầu nhiệm kỳ, số hộ nghèo của xã Tân Bình là 40 hộ, đến cuối năm 2014 chỉ còn 10 hộ, chiếm tỷ lệ dưới 1% tổng số hộ dân. Thu nhập bình quân đầu người của xã Tân Bình hiện đã đạt 31 triệu đồng/ người/năm.

 

Cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển cụ thể của chính quyền trong thời gian qua, người dân xã Tân Bình đã mạnh dạn chuyển đổi các mô hình sản xuất, tập trung xây dựng các mô hình có hiệu quả kinh tế cao. Trong tình hình giá mủ cao su đang xuống thấp như hiện nay, Đảng ủy đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể hướng dẫn, hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình trồng cao su xen canh với chăn nuôi bò. Với các diện tích cao su thanh lý, chính quyền khuyến khích bà con nông dân tận dụng diện tích đất còn trống để trồng hoa màu. “Sự định hướng đúng đắn này đã phát huy hiệu quả khi hiện nay, hầu hết các mô hình trên đều phát huy hiệu quả kinh tế cao”, ông Phong chia sẻ.

Ông Phạm Quang Minh, ngụ ấp 2 là một trong những hộ nông dân điển hình về việc nhanh nhạy chuyển đổi mô hình sản xuất. Năm 2014, khi giá mủ cao su đang ở mức thấp, được sự định hướng của chính quyền, ông đã thanh lý 3,5 ha trồng cao su, đầu tư 600 triệu đồng để xây dựng mô hình nuôi bò thịt. Ông còn được xã hỗ trợ vốn sản xuất với số tiền 300 triệu đồng để phát triển mô hình này. Kết quả hiện nay ông đã có trên 20 con bò đang phát triển tốt. Theo tính toán của ông, năm sau ông sẽ có khoảng 40 con bò mẹ và sẽ thu hồi được vốn đầu tư. Ông Minh cho biết: “Khi còn trồng cao su, tôi được xã hỗ trợ nhiều mặt về vốn, khoa học kỹ thuật để sản xuất. Đến khi chuyển sang nuôi bò, chính quyền xã cũng quan tâm động viên và tạo điều kiện để sản xuất. Chính vì thế, chúng tôi hết sức an tâm để phát triển kinh tế gia đình”.

Hiện nay 50% số hộ nông dân trên địa bàn xã Tân Bình tham gia mô hình nuôi bò với số lượng trên 200 con. Đây là mô hình hứa hẹn sẽ tiếp tục góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ông Bùi Hữu Phong cho biết thêm, trong thời gian tới, một trong những mục tiêu quan trọng mà Đảng ủy xã quan tâm chỉ đạo thực hiện là tiếp tục nâng cao thu nhập cho nhân dân với mục tiêu đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt từ 58 triệu đồng/năm trở lên, cơ bản xóa hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh. Đảng ủy xã đã xác định sẽ tiếp tục định hướng người dân xây dựng các mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi, tăng cường công tác tập huấn khoa học kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp... Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn xã đã hình thành 2 khu công nghiệp, Đảng ủy xã sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện việc đào tạo nghề, tạo điều kiện về thủ tục, hồ sơ để người lao động vào làm việc tại các khu công nghiệp; đầu tư xây dựng chợ Tân Bình, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào lĩnh vực thương mại dịch vụ…

“Với những định hướng cụ thể như trên, chúng tôi tin chắc rằng trong thời gian tới đời sống của nhân dân Tân Bình sẽ tiếp tục được nâng cao, qua đó góp phần tích cực vào tiến trình phát triển của xã nhà trong tương lai”, ông Phong khẳng định.

 CAO SƠN

Từ khóa: