Xã Phước Hòa (Phú Giáo): Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững

Thứ năm, ngày 21/06/2012

Cây cao su đã góp phần nâng cao đời sống cho hơn 1 vạn dân trong xã. Số hộ nghèo giảm mạnh cũng nhờ cao su. Hạ tầng giao thông, điện, nước sạch... cũng nhờ cây cao su mà có. Xã thuần nông Phước Hòa trước đây hiện đang chuyển dịch kinh tế theo hướng bền vững, trong đó chú trọng đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

 Một vườn cao su tiểu điền được bà con “sửa dáng” sau cơn lốc Cuộc sống người dân sung túc nhờ cao su

Từ khi cao su được xem là “vàng trắng”, Phước Hòa đã trở thành vùng đất lành cho cây cao su phát triển, thu hút hàng ngàn người từ những vùng quê khác về đây lập nghiệp. Toàn xã hiện có 64% số hộ sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng cao su. Trên tổng diện tích 6.200 ha, có đến 5.093 ha đất được trồng cao su, trong đó 2.075 ha của Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa, còn lại 3.018 ha thuộc sở hữu của người dân. Nhiều gia đình đã giàu lên nhanh chóng nhờ cây cao su. Nổi bật là các hộ như Lương Văn Song ở ấp Bàu Cỏ; Nguyễn Quang Trên ở ấp Bố Lá... Nhìn chung, các hộ trồng cao su đều biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc và khai thác để đạt hiệu quả cao. Hiện vườn cây của bà con đạt sản lượng khoảng 2 tấn mủ/ha.

Cây cao su đem lại thu nhập cao, góp phần tạo nên cuộc sống sung túc cho nông dân, nên hôm chúng tôi đến thăm, bà con đang tích cực giải quyết “hậu quả” của cơn lốc vừa đi qua làm hàng chục ha cao su bị ngã đổ. Chị Hoa, một công nhân thuộc Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa, cho biết: “Gia đình tôi có 7 ha cao su đang khai thác đều bị ngã đổ do cơn lốc vừa qua. Đối với diện tích bị hư hại nặng, tôi đang cưa bán gỗ và chuẩn bị trồng mới”. Nhiều vườn cây cao su non bị nghiêng ngả cũng được bà con cẩn thận cột dây chằng kéo, giữ cho cây đứng thẳng. Bên cạnh cao su là các cánh đồng rau sạch được phủ bạt, tươi tốt.

Anh Nguyễn Duy Sang, cán bộ xã cho biết: “Từ mấy năm nay, Hội Nông dân và Câu lạc bộ nhà nông luôn là người bạn đồng hành của nông dân. Ngoài việc hướng dẫn nông dân cách chăm sóc, phòng bệnh cho vườn cây cao su, hội còn hướng dẫn nông dân trồng thêm rau sạch trên diện tích chưa trồng cao su để tăng thu nhập. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, Phước Hòa có 18,5 ha dưa leo, bầu bí được trồng theo mô hình phủ bạt cho năng suất cao, cung cấp đủ nguồn rau sạch cho nhân dân địa phương”. Anh Sang cho biết thêm, chăn nuôi ở Phước Hòa cũng phát triển mạnh. Toàn xã có tổng đàn trâu bò hơn 430 con, trên 2.800 con heo, 78.800 con gia cầm. Do các trang trại tập trung phát triển trong các khu quy hoạch, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, chú trọng công tác vệ sinh, tiêm phòng dịch tốt nên dịch bệnh không xảy ra và hạn chế được vấn đề ô nhiễm môi trường.

Chuyển dịch kinh tế theo hướng bền vững

Ông Nguyễn Minh Phúc, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết để đạt mục tiêu lên thị trấn vào năm 2013, từ mấy năm nay Đảng ủy xã Phước Hòa đã đề ra mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp (CN-TTCN-DV-NN). Tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch kinh tế diễn ra rất chậm. Toàn xã hiện chỉ có 9% số hộ sản xuất CN-TTCN, 27% kinh doanh TMDV. Do vậy, lãnh đạo xã đang tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế để đủ điều kiện lên thị trấn đúng theo lộ trình.

Chủ tịch UBND xã Lê Hành Quân báo tin vui, theo quy hoạch đã được phê duyệt, Phước Hòa có khu công nghiệp (KCN) chế biến vỏ xe và các sản phẩm từ cao su thiên nhiên với diện tích khoảng 70 ha ở Đồng Chinh do Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa làm chủ đầu tư; khu vực chuyên sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) ở Bố Lá, diện tích khoảng 70 ha, để di dời các doanh nghiệp sản xuất VLXD trong tỉnh về đây. Với những quy hoạch này, một số công ty, nhà máy sẽ nhanh chóng ra đời, thu hút một lực lượng lớn lao động từ các nơi và sẽ giúp Phước Hòa chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh phát triển CN-TTCN.

Chủ tịch UBND xã Lê Hành Quân cho biết thêm, hiện Phước Hòa đang thực hiện tổng hợp các chương trình khuyến nông, khuyến công, hỗ trợ vốn cho nông dân bằng nhiều hình thức, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế, đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh cho cây trồng và vật nuôi để nâng cao đời sống nhân dân, tạo tiền đề vững chắc để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm phát triển bền vững. Lãnh đạo xã cũng đang vận động nhân dân tận dụng diện tích còn lại để phát triển cây cao su; khuyến khích các trang trại trồng cây công nghiệp kết hợp chăn nuôi để có nguồn phân hữu cơ bón cây; phối hợp với các ngành chức năng thực hiện quy hoạch gắn sản xuất với vùng nguyên liệu của địa phương để phát triển bền vững.

BẢO ANH