Xã Phú An, TX.Bến Cát: Vững bước trên con đường đổi mới

Thứ tư, ngày 08/06/2022

(BDO) Trước năm 1975, xã Phú An là địa phương luôn được biết đến với những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Phú An cùng với 2 xã An Tây và An Điền đã tạo nên một vùng địa đạo “Tam giác sắt” trứ danh từng làm cho kẻ thù phải khiếp sợ. Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, Phú An hôm nay đã thay da đổi thịt từng ngày với kinh tế - xã hội ngày càng khởi sắc, đời sống người dân không ngừng được nâng lên về mọi mặt.

 Nhiều vườn cây ăn trái trên địa bàn xã Phú An có lợi thế để phát triển du lịch sinh thái

 Khởi sắc từng ngày

Về thăm lại xã Phú An chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi từ diện mạo cơ sở hạ tầng đến cuộc sống của người dân nơi đây. Phú An hôm nay đã thực sự “thay da, đổi thịt” với những con đường giao thông nông thôn được trải bê tông, trải nhựa rộng rãi, thẳng tắp; những công trình thủy lợi, chợ, trường học được đầu tư xây dựng khang trang để phục vụ nhu cầu của người dân ngày càng tốt hơn.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Phú An, cho biết phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, chính quyền và nhân dân xã Phú An ngày nay đang tập trung mọi nguồn lực để đưa xã nhà vững bước trên con đường văn minh, hiện đại. Kinh tế Phú An đang phát triển theo hướng đa dạng. Các hạng mục như giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… đã được xây dựng khang trang, góp phần hiệu quả trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn xã.

Các loại hình kinh tế tại Phú An khá đa dạng. Xã hiện nay có 290 ha diện tích đất trồng cây lâu năm với cây trồng chủ lực là cao su, 93 ha cây ăn trái và 283 ha đất hoa màu. Ngoài ra, trên địa bàn xã Phú An còn có 158 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ của xã cũng phát triển nhanh với các cửa hàng kinh doanh xuất hiện ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện tại, Phú An có hơn 40 doanh nghiệp đang trú đóng trên địa bàn và đã góp phần giải quyết một phần đáng kể việc làm cho lực lượng lao động tại địa phương.

Kinh tế phát triển, xã Phú An có điều kiện huy động nhiều nguồn lực để chăm lo cho các đối tượng chính sách, công nhân lao động trên địa bàn. Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo cũng được xã chú trọng thực hiện. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức rộng khắp từ xã đến ấp đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân.

Chị Nguyễn Thị Yến Xuân, công nhân lao động ở trọ trên địa bàn xã Phú An, chia sẻ: “Tôi luôn được chính quyền địa phương quan tâm, tạo mọi điều kiện để sinh sống và làm việc. Chúng tôi được tham gia các hoạt động thể dục thể thao do địa phương tổ chức. Đặc biệt, trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, chúng tôi liên tục nhận được sự hỗ trợ, động viên từ các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn xã để vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”.

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Phát huy lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, UBND xã Phú An đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích các hộ nông dân đầu tư chăm sóc, cải tạo vườn cây ăn trái đặc sản để phát triển dịch vụ du lịch sinh thái. Xã Phú An là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái như các vườn cây ăn trái nằm trong khu địa đạo Tam giác sắt, làng tre Phú An, làng nghề làm bánh tráng truyền thống… Bên cạnh đó, là địa phương có sông Thị Tính và sông Sài Gòn chảy qua nên Phú An cũng thuận tiện cho việc phát triển du lịch sông nước.

Nói về lĩnh vực này, bà Nguyễn Thị Hà cho biết thêm nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn xã, trong những năm qua Đảng ủy, chính quyền xã Phú An đã rất quan tâm, tạo điều kiện lồng ghép đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông liên ấp. Đặc biệt, các dự án đầu tư đường vào khu sản xuất vừa tạo điều kiện cho người dân sản xuất nông nghiệp, vừa góp phần phục vụ cho khách du lịch. Thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch để tiếp tục nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

“Địa phương mong muốn các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa về đầu tư phát triển du lịch kết hợp bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa trên địa bàn xã. Từ đó, xã xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc thù, qua đó phát huy ngày càng hiệu quả những tiềm năng phát triển du lịch của địa phương”, bà Hà nói.

 Xã Phú An đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa du lịch sinh thái tại địa phương, như: Tăng cường công tác tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá về du lịch sinh thái; thực hiện các ấn phẩm giới thiệu về du lịch của địa phương. Xã cũng sẽ thực hiện liên kết với các địa điểm thu hút đông khách tham quan, như: Địa đạo Tam giác sắt, Làng tre Phú An với làng nghề bánh tráng truyền thống để quảng bá sản phẩm nhằm đưa du lịch phát triển theo hướng hiện đại, bền vững và lâu dài.

 TUỆ NHI