Xã Phú An, Tx.Bến Cát: Mong sớm xây dựng tuyến đê bao Phú Thuận
(BDO) Khu vực đất sản xuất nông nghiệp thuộc ấp Phú Thuận, xã Phú An, TX.Bến Cát có diện tích khoảng 225 ha. Hiện nơi đây vẫn chưa có đê bao bảo vệ nên thường xuyên bị ngập úng khiến cho người dân không thể sản xuất được, ảnh hưởng đến năng suất vườn cây ăn trái trong vùng.
Người dân ấp Phú Thuận, xã Phú An, TX.Bến Cát mong Nhà nước sớm xây dựng tuyến đê bao để ổn định canh tác trên phần đất của gia đình. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG
Hiện nay, các xã, phườn của TX.Bến Cát đều chú trọng phát triển công nghiệp, dịch vụ. Tuy nhiên, để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, diện tích đất trồng lúa trên địa bàn thị xã, cụ thể là ở 2 xã Phú An và An Tây được giữ lại theo chủ trương của tỉnh. Mặc dù vậy, khu vực đất sản xuất nông nghiệp thuộc ấp Phú Thuận hiện vẫn chưa có đê bao bảo vệ nên thường xuyên bị ngập úng, dẫn đến người dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.
Bà Nguyễn Thanh Hồng, ở ấp Phú Thuận, cho biết gia đình bà xuất thân làm nghề nông, nhưng nhiều năm nay hơn nửa mẫu đất của bà phải bị bỏ hoang. Nơi đây hiện chỉ là đồng hoang, cỏ mọc um tùm, không có đường vào ruộng. Nguyên nhân chính là do không có đê bao nên đất thường xuyên bị ngập úng, gia đình bà không thể sản xuất. Còn ông Nguyễn Văn Thành, ngụ cùng ấp, chia sẻ ông mong muốn nhà nước quan tâm sớm xây dựng đường đê bao, đầu tư làm đường nội đồng để người dân tiếp tục làm lúa. Thấy đất bỏ hoang, bà con nơi đây rất là xót.
Bà Huỳnh Thị Xuân Nương, Phó Chủ tịch UBND xã Phú An, cho biết theo chủ trương của Nhà nước, quy hoạch diện tích đất lúa của địa phương được giữ lại 225 ha, nhưng đến nay chưa được đầu tư đường đê bao nên đã gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp tại đây. Để hạn chế việc các hộ dân chuyển mục đích sử dụng đất, xã đã đề ra nhiều giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện theo chủ trương. Điều đáng nói, cử tri trong xã đã nhiều lần kiến nghị Nhà nước xây dựng đường đê bao ấp Phú Thuận, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Ông Vũ Tiến Sơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết để nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời làm cơ sở cho quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và chuyển dịch kinh tế nông thôn... tháng 8-2015, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh trình Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư công dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đê bao An Tây - Phú An và Tân An - Chánh Mỹ (trong đó có đề nghị đầu tư xây dựng mới tuyến đê bao Phú Thuận với chiều dài khoảng 3,2km để bảo vệ 225 ha đất nông nghiệp ở ấp Phú Thuận, xã Phú An, TX.Bến Cát). Tổng kinh phí thực hiện cho toàn dự án khoảng 555 tỷ đồng và được đầu tư bằng ngân sách Trung ương (giai đoạn 2016-2020). Tuy nhiên, đến nay 2 bộ nói trên vẫn chưa thông qua kế hoạch đầu tư cho dự án. Trong thời gian tới, sở tiếp tục liên hệ với các cơ quan chuyên môn của Trung ương để giải trình, bổ sung các hồ sơ có liên quan đến dự án này.
Từ năm 1990 đến 2012, Bộ NN&PTNT đã đầu tư xây dựng các công trình đê bao chống ngập úng ven sông Sài Gòn thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, trong đó có hệ thống thủy lợi An Tây - Phú An, Tân An - Chánh Mỹ, An Sơn - Lái Thiêu. Các công trình này đã giải quyết tốt nhiệm vụ ngăn triều, thoát lũ, chống ngập úng cho phần diện tích sản xuất nông nghiệp, vườn cây ăn trái; đồng thời tiêu thoát nước cho các khu dân cư, khu công nghiệp phía nam của tỉnh. Những hệ thống thủy lợi này còn tạo nguồn, dẫn ngọt bảo đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cùng với đó kết hợp cải tạo hệ thống giao thông thủy - nội đồng, phát triển mô hình khu kinh tế vườn kết hợp du lịch sinh thái.
THOẠI PHƯƠNG