Xã nông thôn mới Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên: Nỗ lực sớm trở thành thị trấn

Thứ tư, ngày 14/03/2018

(BDO)  Xã Tân Thành nằm ở trung tâm của huyện Bắc Tân Uyên. Với sự nỗ lực, dựa vào sức dân và bằng cách làm hiệu quả của Đảng bộ, chính quyền xã, Tân Thành đã trở thành một trong 3 xã của huyện đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2017. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của tỉnh và huyện, Tân Thành đang tập trung đầu tư nâng cấp thành thị trấn trong năm nay.

Thành công nhờ dựa vào sức dân

Trong những năm qua, xã Tân Thành đã phát huy sức mạnh trong dân để xây dựng thành công NTM, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Xây dựng NTM đã trở thành phong trào quần chúng sôi nổi trong toàn xã; nhận thức về chương trình từ các cấp ủy Đảng, chính quyền đến người dân được nâng cao. Trên cơ sở đó, công tác quy hoạch, lập đề án xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của xã đã có chuyển biến rõ rệt; điện, đường, trường, trạm được đầu tư phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân trong xã.

Xã Tân Thành đang phát triển mạnh mẽ, từ xã nông thôn mới dần trở thành thị trấn trung tâm của huyện Bắc Tân Uyên. Trong ảnh: Trường THPT Lê Lợi, xã Tân Thành được đầu tư xây dựng mới, khang trang. Ảnh: HOÀNG PHẠM

Xây dựng NTM, xã Tân Thành đã thành lập 6 ban phát triển tại 6 ấp với 51 thành viên. Ban phát triển ấp có nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia xây dựng NTM, đồng thời phối hợp thực hiện các chỉ đạo của cấp trên. UBND xã đã tổ chức 18 hội nghị lấy ý kiến người dân đối với các đồ án, đề án với hơn 2.250 lượt người tham dự; nhận và cấp phát 2.482 tờ bướm, tờ rơi các loại về tuyên truyền xây dựng NTM cho từng hộ gia đình để tìm hiểu, từ đó giúp người dân hiểu hơn về chương trình xây dựng NTM.

Ông Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, cho biết trong quá trình làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn, đặc biệt là các tuyến đường trục ấp, liên ấp, phần lớn kinh phí do người dân tự nguyện đóng góp, ủng hộ. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong xã cũng ủng hộ tiền làm đường. Các hộ dân góp công, góp của, nhiều gia đình tự nguyện hiến đất, phá bỏ công trình trên đất để phục vụ mở rộng đường theo đúng tiêu chí NTM. Riêng việc thực hiện tiêu chí về hệ thống giao thông, người dân và doanh nghiệp đã đóng góp 20 tỷ đồng, gồm đất, hoa màu để xây dựng các tuyến đường trục ấp, liên ấp, giao thông nội đồng…

Bên cạnh chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các cấp ủy, chính quyền xã Tân Thành còn tuyên truyền, vận động, tạo mọi điều kiện giới thiệu việc làm cho người dân trong xãvào làm việc tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn, tại các khu, cụm công nghiệp vùng lân cận. Cùng với đó, nhờ cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư nên đã tạo diện mạo khang trang, sạch đẹp cho xã. Nhờ đó, các loại hình thương mại - dịch vụ trên địa bàn có điều kiện thuận lợi để phát triển, góp phần tạo thu nhập và nâng cao mức sống cho người dân. Đến năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 45,35 triệu đồng.

Nâng cấp thành thị trấn

Với vị trí là xã trung tâm của huyện Bắc Tân Uyên, trong thời gian qua, Tân Thành luôn nhận được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, các ngành và địa phương về cơ sở hạ tầng như điện, bưu chính - viễn thông, giao thông, trường học, y tế... Nhờ đó đã làm thay đổi diện mạo, dần hình thành bộ mặt đô thị của khu vực trung tâm thuộc huyện; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn. Cụ thể, năm 2014, UBND huyện Bắc Tân Uyên đã phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng NTM xã Tân Thành, tại Quyết định số 2306/QĐ- UBND ngày 31-12-2014; năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt Đồ án quy hoạch chung đô thị Tân Thành đến năm 2030, tại Quyết định số 1366/QĐ- UBND ngày 31-5-2017.

Ông Dũng cho biết xã Tân Thành đã và đang nhận được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh và huyện Bắc Tân Uyên để đầu tư nâng cấp thành thị trấn trong năm nay. Định hướng về lâu dài, xã sẽ tập trung phát triển mạnh loại hình dịch vụ - thương mại, giảm tỷ trọng nông nghiệp... Hiện tại, hệ thống giao thông tại xã có các trục đường lớn đi qua như ĐT746 dài 3,6km, ĐH411 dài 3,47km và các trục đường giao thông liên ấp, đường tổ được nhựa hóa, sỏi đỏ. Hàng năm, các tuyến đường này đều được duy tu, sửa chữa nâng cấp và làm mới, kinh phí do Nhà nước và nhân dân cùng đóng góp, tạo nên hệ thống giao thông kết nối liên hoàn, thuận lợi cho phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân.

Việc thành lập thị trấn Tân Thành là nhu cầu tất yếu của phát triển đô thị huyện Bắc Tân Uyên, vì từ khi thành lập đến nay huyện vẫn chưa hình thành trung tâm huyện lỵ. Trung tâm huyện lỵ có vai trò quan trọng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội lan tỏa đến các xã trong huyện, tạo điều kiện cho việc giao lưu văn hóa cùng các hoạt động kinh tế như vận tải, bưu chính - viễn thông, tài chính, trung tâm thương mại, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh… Với vị trí thuận lợi, gần các Khu công nghiệp Đất Cuốc, Việt Nam- Singapore III, Tân Lập I.., trong tương lai Tân Thành sẽ là một đô thị dịch vụ, hỗ trợ phát triển công nghiệp.

Theo lãnh đạo xã Tân Thành, trong thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục rà soát các đề án, quy hoạch, tham mưu UBND huyện Bắc Tân Uyên điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội đến năm 2020, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo trong nhân dân. Bên cạnh đó, xã tiếp tục thực hiện chương trình, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng chuyển dịch lao động sang phi nông nghiệp, nông nghiệp kỹ thuật cao cho lao động địa phương một cách hiệu quả, thiết thực; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả của các hình thức tổ chức sản xuất, thành lập các tổ hợp tác sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp. Địa phương cũng sẽ khuyến khích hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển trang trại.  

 Theo Quyết định của UBND tỉnh về việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, UBND tỉnh công nhận 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm 3 xã Đất Cuốc, Tân Thành, Tân Lập của huyện Bắc Tân Uyên và xã Lai Uyên của huyện Bàu Bàng.

 

 QUỲNH NHIÊN