Xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng: Phát triển kinh tế theo hướng bền vững

Thứ ba, ngày 16/08/2022

(BDO) Minh Thạnh, một xã thuần nông của huyện Dầu Tiếng đang nỗ lực “chuyển mình” phát triển kinh tế theo mô hình hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) và bước đầu đem lại những kết quả khả quan.

 Để phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững, xã Minh Thạnh chú trọng các mô hình kinh tế tập thể phù hợp với địa phương. Trong ảnh: HTX Dê Thạnh Phát mới thành lập nhưng hoạt động tương đối ổn định, hiệu quả

 Phát huy thế mạnh địa phương

Xã Minh Thạnh là địa phương chủ yếu phát triển về nông nghiệp (chiếm 51,65% cơ cấu kinh tế), trong đó chủ lực là cây cao su. Đặc biệt, những năm qua thông qua hoạt động của HTX và THT, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi vừa và nhỏ ở Minh Thạnh ngày càng được chú trọng đầu tư, phát triển cả về số lượng lẫn hiệu quả hoạt động. Mô hình HTX, THT thể hiện vai trò quan trọng đối với phát triển ngành nông nghiệp, góp phần thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới, đưa kinh tế của xã phát triển ngày càng bền vững.

Là điểm sáng về mô hình kinh tế hợp tác trên địa bàn, HTX Nông nghiệp - thương mại - dịch vụ - sinh vật cảnh Đồng Tâm hoạt động từ năm 2018 với 13 thành viên, có thu nhập ổn định. Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Văn Thân, Giám đốc HTX kể rằng thời kỳ đầu hoạt động còn chưa đồng đều, một số thành viên làm không hiệu quả nên nản chí. Qua quá trình nỗ lực, hỗ trợ lẫn nhau, đến nay HTX đã đi vào ổn định. Các thành viên mỗi người phát huy một thế mạnh khác nhau như hoa lan, kiểng lá, cây tắc kiểng, mai vàng và dịch vụ sinh vật cảnh. Hiện nay, HTX tập trung sản xuất kiểng lá với 3,4 ha, mai vàng gần 5.000 gốc, bông giấy 1.000 gốc, hoa lan 1.500 gốc, cây tắc kiểng 12.000 gốc... Tổng giá trị tài sản trên 3,5 tỷ đồng.

Đặc biệt, nhiều thành viên trong HTX đã tận dụng diện tích đất từ vườn cao su của gia đình để trồng xen các loại cây kiểng lá, tắc kiểng... “Việc trồng xen canh giúp tận dụng khoảng đất trống ở vườn cao su đồng thời chống xói mòn đất mà vẫn cho năng suất và hiệu quả cao. Đối với cây kiểng lá trồng xen canh lâu dài, tắc kiểng trồng xen canh trong cao su thời kỳ kiến thiết cơ bản. Riêng với cây kiểng lá hiện đang vào mùa thu hoạch. HTX thuê nhân công cắt lá với mức thù lao từ 350.000 - 400.000 đồng/ngày. Cắt được bao nhiêu thương lái từ tỉnh Bến Tre, TP.Hồ Chí Minh đến thu gom hết bấy nhiêu. Người nông dân rất phấn khởi”, ông Thân vui vẻ cho biết thêm.

Gần 1 năm tham gia HTX Dê Thạnh Phát, mô hình chăn nuôi dê của anh Trần Văn Hiền ở ấp Căm Xe với quy mô hơn 40 con đã ổn định và cho thu nhập cao. Anh Hiền tâm sự: “Trước khi là thành viên của HTX, gia đình tôi đã gắn bó với nghề nuôi dê. Xã Minh Thạnh có lợi thế về đất nông nghiệp nên nguồn rau, cỏ cho dê ăn rất dễ kiếm. Trung bình trừ hết các chi phí, gia đình thu lợi nhuận từ 60 - 70 triệu đồng/năm”. Ông Vũ Văn Hoang, Giám đốc HTX cho hay, HTX Dê Thạnh Phát thành lập từ tháng 9-2021, tổng đàn dê hiện nay trên 1.000 con, trong 6 tháng đầu năm xuất bán 365 con dê thịt và dê giống, tổng thu nhập hơn 1,4 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 580 triệu đồng. HTX đang phát triển đúng hướng và hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Bên cạnh các mô hình kinh tế HTX, hiện nay THT chăn nuôi bò sinh sản và THT trồng, chăm sóc cây sầu riêng mới được thành lập cũng đang đi vào hoạt động ổn định, mang lại lợi ích cho thành viên. Đối với xã Minh Thạnh, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt vừa và nhỏ chủ yếu theo hình thức phát triển HTX, THT. Các loại hình kinh tế hợp tác đang phát huy hiệu quả trong quá trình xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Nâng cao chất lượng hoạt động

Được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, sự tham gia nhiệt tình trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các chính sách của các thành viên Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể xã đã giúp các HTX, THT duy trì và phát triển.

Ông Trần Trung Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Thạnh, chia sẻ: “Kể từ khi vận động thành lập, các mô hình kinh tế HTX, THT trên địa bàn hoạt động tương đối ổn định. Hội Nông dân tuyên truyền, vận động liên kết các thành viên thành mô hình kinh tế tập thể, hoạt động theo đúng chủ trương. Hội cũng tích cực hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân để các HTX, THT, thành viên có thêm nguồn lực phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn từ các kênh khác còn gặp nhiều khó khăn, bất cập”.

Hiện tại, Hội Nông dân xã cũng đang vận động các thành viên trong THT chăm sóc và trồng cây sầu riêng phát triển lên thành HTX. Đồng thời, phấn đấu để thực hiện Chương trình OCOP nhằm tạo thương hiệu, nâng cao uy tín cho sản phẩm sầu riêng của địa phương để dễ dàng tiếp cận với thị trường. “Các mô hình hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích nông dân mới nhiệt tình tham gia vào mô hình kinh tế hợp tác. Nếu được tiếp cận thêm nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể sẽ là động lực để phát triển sản xuất, kinh doanh của các HTX, THT hiệu quả hơn”, ông Dũng kiến nghị.

 Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể xã Minh Thạnh tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các HTX, THT duy trì và phát triển thông qua việc tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao cho các thành viên. Việc chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm phát triển bền vững. Được biết, thu nhập bình quân đầu người xã Minh Thạnh năm 2021 là 70 triệu đồng/người/năm, phấn đấu năm 2022 đạt 75 triệu đồng/người/năm.

 TIẾN HẠNH