Xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng: Phát triển mạnh vườn cây ăn trái giá trị cao
(BDO) Cây cao su vẫn là cây trồng chủ lực của xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Dầu Tiếng đang phát triển khá mạnh các loại cây ăn trái cho giá trị cao.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Xộp, ở ấp Hòa Cường bên vườn quýt sai quả Ảnh: K.G
Diện tích cây ăn trái tăng nhanh
Ông Trương Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hòa cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017 diện tích cây ăn trái trên địa bàn xã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2016, đạt gần 100 ha. Loại cây ăn trái được bà con nông dân chọn trồng nhiều chủ yếu là cây có múi như cam, quýt, bưởi, sầu riêng… Theo ông Hương, với đặc thù là một trong những xã xa nhất của huyện Dầu Tiếng, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp nên người nông dân Minh Hòa cũng xác định làm nông nghiệp là chính.
Hiện tại, cây cao su vẫn là cây trồng chủ lực của xã với diện tích lên tới 6.832 ha. Tuy nhiên, để bảo đảm nguồn thu nhập ổn định người nông dân cũng mạnh dạn chuyển một phần diện tích đất sang trồng các loại cây ăn trái, cây ngắn ngày. Chính vì sự năng động đó nên khi giá mủ cao su có một thời gian giảm nhưng người nông dân xã Minh Hòa vẫn có cuộc sống ổn định.
Để bà con nông dân kịp thời nắm bắt được khoa học - kĩ thuật trong việc trồng và chăm sóc các loại cây ăn trái, thời gian qua UBND xã Minh Hòa đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các lớp tập huấn về cách trồng, chăm sóc các loại cây có múi cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã đã phối hợp với nhiều công ty phân bón hướng dẫn người nông dân cách trồng, chăm sóc và bón phân cho các loại cây trồng. Ban chỉ đạo Kinh tế tập thể huyện Dầu Tiếng cũng đã chuẩn bị các thủ tục để thành lập Hợp tác xã cây có múi Minh Hòa. Đây là bước rất quan trọng để người nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển các loại cây có múi.
Chất lượng trái cây rất tốt
Theo giới thiệu của cán bộ xã Minh Hòa, phóng viên Báo Bình Dương tìm đến trang trại của ông Nguyễn Văn Xộp ở ấp Hòa Cường. Khi giới thiệu là nhà báo muốn đến thăm trang trại và tìm hiểu thông tin để viết bài, ông Xộp tỏ ra rất hào hứng.
Trang trại của ông Xộp có diện tích khoảng 20 ha, trước đây chủ yếu được ông trồng cao su và điều. Tuy nhiên, thời gian qua ông đã quyết định phá bỏ một số diện tích cây già cỗi để trồng các loại cây có múi như cam, quýt, sau khi đã trồng thử nghiệm thành công trước đó. “Quýt cũng như một số cây ăn trái có múi khác được trồng ở vùng đất Minh Hòa chất lượng không thua kém bất cứ vùng đất nào. Trái chín mọng, vỏ mỏng và đặc biệt là rất ngọt và thơm”, ông Xộp khẳng định.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn quýt, bưởi xanh mướt đang cho thu hoạch, ông Xộp khoe mặc dù giá mủ cao su có giảm đôi chút so với trước đây nhưng cộng với thu nhập từ các loại cây trồng có múi, mỗi năm gia đình ông cũng có thu nhập vài trăm triệu đồng.
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Dầu Tiếng, vùng đất Minh Hòa có thổ nhưỡng rất hợp với việc trồng các loại cây ăn trái có múi. Người nông dân trong xã đã tăng diện tích các loại cây trồng này khá nhanh trong thời gian qua vì mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để nông dân có sự định hướng và phát triển bài bản, Ban chỉ đạo Kinh tế tập thể huyện Dầu Tiếng đã vận động và chuẩn bị các thủ tục thành lập Hợp tác xã cây có múi Minh Hòa.
Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, trong thời gian qua, trung tâm đã phối hợp khá tốt với xã Minh Hòa trong việc tập huấn cho nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây có múi. Việc thành lập Hợp tác xã trồng cây có múi Minh Hòa càng thuận lợi hơn cho việc phối hợp này. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất trong việc trồng và chăm sóc cây có múi tại địa phương này
NHÂN QUANG