Xà lách, thần dược cho "chuyện ấy" của người Ai Cập
Theo chuyên gia Salima Ikram đến từ Đại học Mỹ ở Cairo, Ai Cập, hình rau xà lách xuất hiện trên tường của các lăng mộ từ năm 2000 trước Công nguyên và được coi là thực phẩm ưa thích của Min - vị thần sinh sản của người Ai Cập.
Rau xà lách
Trong các bức vẽ hoặc chạm khắc cổ trên tường, thần Min thường được khắc họa với "cậu nhỏ" ở trạng thái cương cứng. Ông cũng được mô tả là có khả năng siêu phàm về "chuyện ấy" trong một văn tự cổ ở đền thờ Edfu. Giáo sư Ikram nói, người Ai Cập cổ xưa tin rằng, chính việc ăn rau xà lách đã giúp thần Min có thể "yêu" không ngừng nghỉ.Tạp chí Smithsonian dẫn lời giáo sư Ikram lý giải: "Một trong những nguyên nhân khiến người Ai Cập gắn hình ảnh xà lách với vị thần sinh sản là do loại cây này phát triển thẳng và cao - một biểu tượng hiển nhiên cho dương vật".
Một điều thú vị nữa là người Ai Cập cổ thường không ăn xà lách mà trích lấy hạt từ các nụ hoa của cây, ép lấy tinh dầu tự nhiên để nấu nướng, chế tạo thuốc và thậm chí phục vụ việc ướp xác.
Theo giáo sư Ikram, xà lách bắt đầu trở thành nguyên liệu cho các món salad nhờ người Hy Lạp và La Mã vào khoảng năm 85 sau Công nguyên, dưới thời trị vì của Hoàng đế La Mã Domitian. Một chuyên gia ẩm thực từng viết, món salad chứa rau xà lách có thể được dùng ở đầu bữa ăn để kích thích sự ngon miệng hoặc cuối bữa ăn để hỗ trợ tiêu hóa.
Người La Mã và Hy Lạp cổ cũng từng sử dụng xà lách để giúp ngủ ngon. Một số sử gia ghi lại rằng, hoàng đế Domitian dường như đã buộc các vị khách của ông ăn rau xà lách trước bữa ăn để khiến họ phải chật vật giữ sự tỉnh táo suốt thời gian còn lại của chuyến viếng thăm.
Ngoài ra, ngày nay người Ai cập dùng loại thực vật này như một phương thuốc để kích thích mọc tóc.
Theo NLĐ