Xã hội hóa nguồn vốn tín dụng HSSV

Thứ năm, ngày 02/08/2012

Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị xã hội hóa nguồn vốn nhằm huy động các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp nguồn vốn thực hiện Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên - chương trình đã có nhiều kết quả từ năm 2007 đến nay.

Hội nghị xã hội hóa nguồn vốn Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 8-2012.

 Thêm nguồn vốn cho Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên. Tham dự hội nghị trên sẽ có lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Cùng tham dự hội nghị trên cũng có các tổ chức hội đoàn thể; lãnh đạo một số UBND tỉnh; lãnh đạo một số trường Đại học, ngân hàng, tổ chức tài chính, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế; đại diện một số chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, thành phố.

Theo số liệu thống kê, trong gần 5 năm qua triển khai Chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên, bình quân mỗi năm Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã cho vay 8.000 tỷ đồng, năm cao nhất là năm 2009 với 9.400 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tính toán đến năm 2016 ( tức là sau 9 năm tổ chức thực hiện) sẽ hoàn thành chu kỳ cho vay vòng 1 để hoàn trả tiền gốc cho ngân sách Nhà nước.

Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên là cơ cấu nguồn vốn tín dụng của Chương trình chưa có tính bền vững, vẫn còn nhiều bị động, chủ yếu là vốn tạm vay, tạm ứng từ Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước, vốn huy động qua các kênh phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

Thời điểm giải ngân vốn vay thường tập trung cao vào đầu năm học, đầu học kỳ, thời gian giải ngân lại ngắn. Vì vậy, đã có nhiều thời điểm, do có khó khăn trên thị trường, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã không thể huy động được vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của học sinh, sinh viên, gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc học tập của con em các gia đình thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách, gây ra tâm lý không tốt trong dư luận.

Tổng số nguồn vốn quay vòng của Chương trình được xác định khoảng 50.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước dự kiến cấp là 16.000 tỷ đồng; nguồn vốn cần huy động khoảng 34.000 tỷ đồng.

Hiện nay, nguồn vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam được Chính phủ bảo lãnh để cho học sinh, sinh viên vay mới đạt 14.000 tỷ đồng.

Như vậy, để đảm bảo duy trì nguồn vốn cho vay quay vòng của chương trình là 50.000 tỷ đồng, trong thời gian tới cần huy động thêm 20.000 tỷ đồng.

Vì vậy, việc vận động các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên giai đoạn 2012-2015 là một việc làm cần thiết.

Theo Chinhphu.vn