Xã hội hóa hệ thống giáo dục mầm non

Thứ hai, ngày 25/09/2023

(BDO) Ngoài hệ thống giáo dục mầm non (GDMN) công lập, trên địa bàn tỉnh có nhiều tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhiều trường mầm non tư thục với trang thiết bị hiện đại, chương trình giảng dạy được chuẩn hóa. Hệ thống GDMN ngoài công lập đã góp phần giảm bớt áp lực cho các trường công, tạo cơ hội cho các bậc phụ huynh lựa chọn môi trường học tập tốt nhất cho con em mình.

 Giờ học đầy vui nhộn của trẻ trường Mầm non tư thục Thành phố Trẻ Thơ

 Đáp ứng nhu cầu của người dân

Với phương châm tạo cho trẻ một môi trường mở, có thể tự do thể hiện bản thân, khám phá, tìm tòi và hình thành thói quen tốt của riêng mình, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, trường Mầm non tư thục Thành phố Trẻ Thơ (phường Dĩ An, TP.Dĩ An) đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy để phụ huynh gửi gắm con em mình. Cô Phạm Thị Thanh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm học 2023-2024, trường có 120 trẻ/6 nhóm lớp với mức học phí dao động từ 1,7 - 2 triệu đồng/trẻ/tháng. Nhà trường được trang bị đầy đủ các đồ dùng, đồ chơi an toàn theo từng lứa tuổi của trẻ. Trường luôn cập nhật các quy định, hướng dẫn và chỉ đạo từ ngành giáo dục - đào tạo (GD&ĐT) các cấp trong hoạt động.

“Đặc biệt, nhà trường tuyển chọn và xây dựng đội ngũ giáo viên theo chuẩn từ trình độ, có tâm huyết với nghề, yêu trẻ, có kỹ năng, kinh nghiệm với tinh thần trách nhiệm cao. Trong quá trình làm việc, giáo viên sẽ luân phiên cử đi tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kiến tập, không ngừng cập nhật và nâng cao kiến thức chăm sóc và giáo dục trẻ”, cô Phạm Thị Thanh cho biết thêm.

Hiện nay, việc xuất hiện các cơ sở GDMN độc lập, tư thục ở các khu đông công nhân, người lao động là xu thế tất yếu và đáp ứng nhu cầu thực tế. Các cơ sở này đã và đang chia sẻ áp lực khi trường mầm non công lập chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Những năm qua, cùng với việc nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, các trường mầm non tư thục, cơ sở GDMN độc lập trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phương pháp giáo dục tích cực, hiện đại, như: Phương pháp giáo dục Montessori, dạy theo dự án, trải nghiệm thực thế và ứng dụng STEAM trong dạy học... nhằm mang lại môi trường tốt nhất cho trẻ.

Là công nhân Công ty TNHH Chí Hùng (TP.Tân Uyên), chị Hoàng Thị Lan lựa chọn cho hai con mình theo học tại các trường mầm non tư thục. Theo chị Lan, làm công nhân thường đi sớm, về muộn nên chị chọn gửi con ở các cơ sở tư thục cho tiện với thời gian đi làm của vợ chồng, lúc nào về muộn có thể gửi tăng ca tại trường cho các cô. Tuy mức học phí có hơi cao nhưng nhìn chung cơ sở vật chất của các trường tư thục hiện nay cơ bản khang trang, chương trình học phong phú nên vợ chồng chị cũng yên tâm khi cho con theo học.

Tăng cường công tác quản lý

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, Trưởng phòng GDMN và Tiểu học, Sở GD&ĐT, cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có khá nhiều cơ sở mầm non, mẫu giáo ngoài công lập. Hoạt động của các trường mầm non tư thục, các nhóm trẻ độc lập những năm qua đã góp phần chia sẻ, giảm tải với hệ thống trường mầm non công lập; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng GDMN trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục phát triển cơ sở GDMN ngoài công lập, Sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ và các thủ tục, điều kiện để mở lớp đúng quy định; quản lý chặt chẽ các cơ sở GDMN ngoài công lập, các nhóm trẻ bảo đảm an toàn cho trẻ. Phòng GD&ĐT và chính quyền các địa phương cũng cần quan tâm đến việc thực hiện các chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển GDMN theo Nghị định số 105/2020/ NĐ-CP và Nghị quyết số 35/ NQ-CP của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển GD&ĐT giai đoạn 2019-2025.

Ông Trần Anh Dũng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP.Tân Uyên, cho biết hiện ngành GD&ĐT thành phố thực hiện quản lý khá chặt chẽ các cơ sở mầm non tư thục trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, như: Kiểm tra các điều kiện thành lập; phối, kết hợp với các xã, phường quản lý, cấp phép các cơ sở GDMN độc lập tư thục hoạt động trên địa bàn. Hàng năm, ngành GD&ĐT đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc bảo đảm an toàn mọi mặt cho trẻ khi đến với các cơ sở mầm non độc lập, tư thục; phân công cán bộ quản lý các trường mầm non công lập rà soát, quản lý, kiểm tra, tư vấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiệp vụ cho giáo viên các cơ sở mầm non tư thục.

Tuy nhiên, công tác quản lý các cơ sở GDMN ngoài công lập gặp nhiều khó khăn do mạng lưới cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm tỷ lệ cao (trên 73%) trong hệ thống GDMN của tỉnh. Đa số các cơ sở thuê mướn, cải tạo từ nhà ở, cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị chưa bảo đảm, đội ngũ còn nhiều bất cập, thường xuyên thay đổi, không ổn định, còn thiếu nhiều. Các địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp như TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Tân Uyên, TX.Bến Cát có số trẻ tăng cơ học nhanh và thường xuyên biến động, sĩ số trẻ/nhóm, lớp ở khu vực này thường vượt so với quy định, gây khó khăn cho việc thực hiện tiêu chí “Tổ chức hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”…

Có thể nói, sự ra đời của các trường mầm non ngoài công lập đã và đang là lời giải đúng đắn cho bài toán quá tải mầm non công lập. Việc khuyến khích phát triển các trường mầm non tư thục không chỉ đáp ứng nhu cầu của các bậc phụ huynh, giảm tải cho các trường công lập mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh trong tương lai.

 Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, tính đến tháng 9-2023, toàn tỉnh có 438 trường mầm non, mẫu giáo (trong đó có 118 trường công lập, 320 trường tư thục), 657 cơ sở GDMN độc lập tư thục; tổng số trẻ là 115.721 trẻ/4.788 nhóm, lớp. Trong năm học 2022-2023, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường đạt 99,9%; 91/91 xã, phường, thị trấn và 9/9 huyện, thị, thành phố tiếp tục duy trì công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi, đạt tỷ lệ 100%.

 HỒNG PHƯƠNG - KHẮC THỊNH