Xã hội hóa bảo vệ môi trường: Nỗ lực nhiều, bất cập cũng nhiều

Thứ năm, ngày 15/08/2013
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Bình Dương luôn phải đối mặt với các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các hoạt động sản xuất công nghiệp và đô thị hóa... Chính vì thế, giờ đây, bảo vệ môi trường (BVMT) là nhiệm vụ không của riêng ai, bởi mỗi vấn đề đều ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống con người. Tuy nhiên nhìn góc độ nào đó, môi trường Bình Dương vẫn còn không ít bất cập…

 Những chuyển biến tích cực

Xác định BVMT là nhiệm vụ trọng tâm, nhiều năm qua, Bình Dương đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch và cụ thể hóa bằng các văn bản để chỉ đạo về BVMT. HĐND cấp huyện và cấp xã trong toàn tỉnh cũng đã đưa các chỉ tiêu về môi trường vào nghị quyết lãnh đạo hàng năm. UBND các huyện, thị, thành phố đã ban hành được nhiều văn bản các loại triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn.    Đoàn viên thanh niên TX.Dĩ An dọn dẹp vệ sinh, làm đẹp cảnh quan chợ Dĩ An

Đặc biệt, kinh phí dành cho các hoạt động môi trường của tỉnh luôn được ưu tiên ở mức cao. Số liệu thống kê cho biết, sau 2 năm thực hiện Kế hoạch BVMT, 26 công trình đầu tư xây dựng cơ bản về BVMT thuộc 3 nhóm với tổng kinh phí do ngân sách đầu tư 6.229 tỷ đồng, trong đó nhóm đầu tư cơ sở vật chất và xử lý chất thải có 10 công trình, nhóm đầu tư thoát nước và xử lý nước thải 4 công trình và nhóm đầu tư bảo đảm dòng chảy và cải thiện môi trường 12 công trình, hầu hết đã được phê duyệt dự án, thiết kế thi công và tổng dự toán. Song song đó, Kế hoạch hành động đa dạng sinh học đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 cũng được ưu tiên đầu tư với 10 dự án, kinh phí 19 tỷ đồng; Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó giai đoạn 2013-2015 có 7 dự án phi công trình và 1 công trình được đầu tư, kinh phí 14 tỷ đồng. Bộ máy cán bộ phụ trách về công tác BVMT từ tỉnh đến xã cũng được kiện toàn. Ngành tài nguyên và môi trường đã đưa vào sử dụng cổng thông tin trực tuyến quản lý môi trường Bình Dương; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường của cơ sở sản xuất công nghiệp cũng được thiết lập cùng với nâng cao năng lực quan trắc và phân tích môi trường.

Không chỉ đầu tư ngân sách cho công tác BVMT, thời gian qua, bằng các hình thức xã hội hóa, Bình Dương đã tranh thủ nguồn vốn ODA Phần Lan để xây dựng nhà máy xử lý phân compose có công suất 420 tấn/ngày vối tổng vốn đầu tư 6,7 triệu Euro; vốn ODA Nhật Bản để xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải TP.Thủ Dầu Một với tổng vốn 1.984 tỷ đồng và tiếp tục ký biên bản ghi nhớ để triển khai dự án tại TX.Thuận An, tổng vốn dự kiến khoảng 6.200 tỷ đồng. Ngoài ra, Bình Dương cũng phối hợp với 7 tỉnh, thành tích cực tham gia Dự án quản lý nhà nước về môi trường cấp tỉnh (VPEG) do Chính phủ Canada tài trợ, thông qua đó năng lực quản lý nhà nước về BVMT cấp tỉnh và cấp huyện nâng cao rõ rệt, góp phần vì môi trường và phát triển bền vững của tỉnh.

Ở các đoàn thể giờ đây cũng đã hình thành nhiều mô hình hoạt động về BVMT thông qua công tác tuyên truyền. Cụ thể như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh thành lập 561 tổ tự quản về BVMT; mô hình “Toàn dân tham gia BVMT” được nhân dân hưởng ứng. Hội Phụ nữ thành lập 39 câu lạc bộ tuyên truyền viên về nước sạch và vệ sinh môi trường, tổ chức cuộc vận động gia đình “5 không, 3 sạch”; Hội Nông dân có mô hình “Nhà, vườn, đường phố sạch”; Tỉnh đoàn đẩy mạnh phong trào tình nguyện BVMT. Các địa phương còn lồng ghép tiêu chí BVMT vào quy chế công nhận danh hiệu văn hóa. Đặc biệt, Bình Dương kiên quyết xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các khu dân cư, đô thị…

Nhờ tăng cường quản lý, chỉ đạo và quan tâm đầu tư bằng hình thức xã hội hóa nên công tác BVMT đem lại kết quả đáng mừng. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn đạt 87%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải y tế đạt 97%; tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 96,2%... “Bình Dương sẽ trở thành nơi có môi trường sống tốt, tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội và BVMT, đúng với mục tiêu chung mà Chương trình BVMT của tỉnh đề ra”, bà Võ Thị Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định.

Vẫn còn bất cập

Tuy nhiên, xã hội hóa công tác BVMT ở Bình Dương vẫn còn nhiều bất cập do tốc độ phát triển kinh tế - xã hội quá nhanh trong khi nguồn lực tài chính đề đầu tư cho cơ sở hạ tầng và xứ lý chất thải còn hạn chế, nhất là hạ tầng kỹ thuật, đô thị và xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại… Cùng với đó, việc chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chưa tốt và việc xử lý có lúc thiếu kiên quyết nên dẫn đến một số doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kéo dài. Trong 44 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đến nay vẫn còn có 13 cơ cở chưa hoàn thành khắc phục ô nhiễm, tập trung các trang trại chăn nuôi và cơ sở chế biến mủ cao su. Nhiều cơ sở còn có hành vi tránh né trong việc xử lý môi trường, một số trường hợp vi phạm hành chính phải xử phạt hành chính, chủ yếu là xả thải vượt quy chuẩn cho phép và thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Trong quản lý nhà nước về môi trường dù đã được tăng cường nhưng phải nhìn nhận rằng, đội ngũ cán bộ phụ trách nhất là cấp cơ sở chưa theo kịp yêu cầu quản lý, trong chỉ đạo, điều hành đôi khi thiếu kiên quyết, chưa phát huy đầy đủ vai trò và huy động sự tham gia toàn diện của các tổ chức doanh nghiệp và nhân dân... Tất cả những bất cập đó ngày càng làm gia tăng áp lực về môi trường.

Để giảm áp lực và hướng tới BVMT đi đôi với phát triển bền vững, bên cạnh tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức trong cộng đồng, thời gian tới, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực quản lý và BVMT trên cơ sở xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, bình đẳng để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân chung tay BVMT.

 HOÀNG ÁI