Xã Hiếu Liêm (Tân Uyên): Trồng cây có múi, túi có nhiều tiền
Đến xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên, đi vào vùng đồi nằm mé tả ngạn sông Bé oai hùng hôm nay, từ xa nhiều người tưởng nhầm rằng mình đang lạc bước vào những rừng chè hay rẫy cao su bạt ngàn của Tây nguyên nhưng càng đến gần mới thấy đó là những vườn cây có múi trồng bằng kỹ thuật cao đang trĩu nặng quả.
Khai phá vùng đất mới
Chúng tôi đến thăm vườn bưởi của gia đình ông Trần Kết Luận, ấp Chánh Hưng - một chủ vườn lâu năm nhất vùng đất này. Ông Luận cho biết, gia đình ông có truyền thống trồng cây có múi và cũng chính loại cây này đã giúp cuộc sống gia đình ông ổn định nhiều năm nay. Dù biết những loại cây khác như cao su đem lại kinh tế khá nhưng ông cho rằng nếu trồng đúng kỹ thuật thì cây có múi có giá trị hơn nhiều. Hiện ông Luận đang miệt mài học hỏi kỹ thuật trồng cây có múi và quyết tâm áp dụng kỹ thật trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGap cho vườn cây 2 ha của mình.
Một ngọn đồi ở xã Hiếu Liêm đã phủ đầy các loại cây trồng có múi
Ấn tượng nhất khi chúng tôi lạc vào vườn cam, quýt của ông Lâm Thành Thắm (được gọi thân mật là ông Ba Thắm), trang trại bạt ngàn trồng cây có múi lớn, được xếp loại có quy mô lớn ở Bình Dương đang sum suê, căng tròn mọng nước. Trò chuyện với chúng tôi, ông Tám Thương, em ông Ba Thắm là một “chuyên gia” trồng cam, quýt của xứ cây ăn trái Tiền Giang cho biết: Đang chuẩn bị vào mùa nghịch của quýt đường với hơn chục ha. Chủ lực vẫn là cam sành, hiện tại ông Ba Thắm đang triển khai trồng gần 150 ha loại trái cây được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa thích.
Rời những luống quýt trĩu quả, chúng tôi được ông Tám Thương đưa đến “diện kiến” Vua cây cam của đất Hiếu Liêm. Đây là lần thứ ba chúng tôi có dịp tiếp chuyện với ông Ba Thắm. Vào khoảng giữa năm 2007, trong lần mon men khám phá vùng đất đầu tiên của Bình Dương đón dòng sông Bé chảy vào, chúng tôi bắt gặp ông Ba Thắm và nhóm anh em từ Đồng Tháp lên đang lúi húi tìm cách lấy nước từ lòng sông để tưới cho đám cây sầu riêng, cam sành, đu đủ đang thiếu nước vì nắng nóng. Lần gặp đó chúng tôi ấn tượng mãi bởi câu nói: “đất ở đây không có phù sa như ở miền Tây, nhưng độ màu mỡ thì có thừa. Vấn đề là làm sao giải quyết được chuyện nước tưới thì tôi tin là số tiền bán 1 ha quýt hồng của tôi ở Lai Vung sẽ không bao giờ uổng phí đâu”.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp
4 năm sau, gặp lại nhau khi trang trại cam của ông Ba Thắm đang cho thu nhập khoảng 450 - 500 triệu đồng/ha. Ông Ba Thắm cho biết: Cầm cự được hết mùa đầu tiên, 3 - 4 anh em tôi mới quyết định gom vốn liếng đầu tư thuê đất, mua thêm giống, phân bón để cùng lập nên trang trại này. Nói thì ngắn gọn, nhưng suốt 4 năm đó là quãng thời gian mà những người nông dân miền Tây phải vật lộn với cái nắng như thiêu đốt và những cơn mưa như trút nước vào mặt của vùng đất giáp với rừng Mã Đà. Nhưng điều đó vẫn chưa đáng sợ bằng lúc ứa nước mắt nhìn những luống cam vặt vẹo dưới trời nắng chói chang của tiết trời Đông Nam bộ vào lúc khô hạn. Khi mùa mưa đến, cây cam không còn sợ khát nhưng nỗi lo với anh em ông Ba Thắm thì còn ghê gớm hơn nhiều khi hàng trăm, hàng ngàn cây cam đua nhau rụng lá vì úng nước hoặc gió xoáy “bứng gốc”.
Với kinh nghiệm của người từng có gần 30 năm trong nghề trồng cây có múi, sau nhiều đêm mày mò, ông Ba Thắm quyết định thử nghiệm dùng tấm bạt nylon để phủ lên những liếp cam. Nếu ứng dụng được việc này thì sẽ chủ động và kiểm soát được nguồn nước tưới và phân, thuốc. Thế là, ông Ba Thắm bàn với anh em mang giấy tờ đất đai, nhà cửa ở quê thế chấp ngân hàng, vay tiền đầu tư hệ thống ống tưới tự động bằng béc phun để cung cấp lượng nước, phân, thuốc theo đúng yêu cầu cho cây cam, vừa không gây lãng phí, vừa trở thành bí quyết để cho trái nghịch mùa sau này.
Năm đầu tiên ứng dụng công nghệ mới, những rẫy cam của ông Ba Thắm đã giải quyết được triệt để thiếu nước vào mùa khô, tiêu úng vào mùa mưa và quan trọng nhất là cây cam phát triển “thấy mê”. Kết hợp với thổ nhưỡng đặc thù của vùng đất rừng chiến khu xưa khá màu mỡ, những lứa cam đầu tiên không chỉ cho “trái sai nặng oằn nhánh” mà còn có vị ngọt thanh rất đặc biệt.
Những trái cam của ông Ba Thắm ở đất Hiếu Liêm không chỉ vào siêu thị, chợ đầu mối trái cây ở Bình Dương, TP.HCM mà còn “ngược dòng” xâm nhập thị trường trái cây ở Tiền Giang, Bến Tre và theo những chuyến xe ra tận Đà Nẵng, Hà Nội.
Hiện nay, trang trại của ông Ba Thắm đã trồng được 150 ha cây cam và quýt đường. Theo lời nông dân tỷ phú này thì không sợ điệp khúc “được mùa mất giá”. Bởi, nắm vững kỹ thuật “siết nước” cho quả nghịch mùa chính vụ nên sản phẩm của trang trại Ba Thắm luôn bán được giá. Hiện tại, các công đoạn canh tác hầu hết đều được ông Ba Thắm cơ giới hóa bằng máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất rất ổn định, chất lượng trái ngon, đồng đều. Để gia tăng giá trị của trái cam Hiếu Liêm, ông Ba Thắm đang tiến hành xây dựng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap (an toàn thực phẩm, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt).
Cách đó không xa, trang trại bưởi Phương Uyên đã trở thành thương hiệu mạnh đi đến nhiều quốc gia và là trang trại trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGap 2 năm nay. Trồng theo kỹ thuật này không đơn giản, nhưng theo tính toán của chủ trang trại Phương Uyên có thể đạt thu nhập trên 2 tỷ đồng/ha. Sản phẩm của nông trang Phương Uyên đang “khát” trên thị trường cả trong và ngoài nước.
Tâm sự với chúng tôi, ông Lê Văn Xê, chủ trang trại Phương Uyên cho biết, để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đòi hỏi đáp ứng nhiều quy định rất khắt khe, nhưng rất cần thiết. Hiện nay bà con trồng cây có múi rất mong muốn phát triển vườn cây ở đây theo hướng VietGap. Nhưng điều này đòi hỏi có sự quan tâm của lãnh đạo từ tỉnh đến huyện, xã. Trước mắt chỉ giúp đỡ, hỗ trợ chúng tôi hoàn thành thủ tục thành lập Hiệp hội cây có múi, còn các công việc khác như: kỹ thuật trồng, đầu ra, chúng tôi sẽ tự tính lấy.
Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm Nguyễn Thanh Lâm cho biết, hiện nay giá trị cây có múi ở đất Hiếu Liêm rất cao, Đảng bộ xã cũng có chủ trương khuyến khích phát triển cây ăn trái, nhất là theo hướng VietGap. Hiện ngoài 7 ha bưởi da xanh của nông trang Phương Uyên, địa phương cũng đang tiến hành áp dụng kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGap trên 30 ha và sẽ nhân rộng toàn xã sau đó.
H.NHÂN – C.TRANH