Xã Định An, huyện Dầu Tiếng: 15 năm, nhiều dấu ấn
(BDO) Định An là xã khá đặc biệt của huyện Dầu Tiếng, bởi ngày tái lập huyện cũng là ngày thành lập xã. 15 năm trôi qua, từ một xã nghèo nay Định An đã khang trang, giàu đẹp hơn rất nhiều.
Từ một xã thuần nông nghèo khó ngày thành lập, nay Định An đã mang một diện mạo mới Ảnh: K.VINH
Xã nghèo thay áo mới
Ông Nguyễn Văn Sum ở ấp Đồng Sển năm nay 75 tuổi nhớ lại, những ngày chiến tranh đất Định An được xem là vùng chiến đấu, giành giật ác liệt giữa ta và địch. Khi đó, chính quyền Sài Gòn thành lập quận Trị Tâm (nay là thị trấn Dầu Tiếng) dồn ép, kìm kẹp dân. Trong khi lực lượng của ta bám trụ núi Cậu, khi bị địch càn lại ẩn náu trong các lô cao su thuộc 2 xã Định Thành, Định An ngày nay. Ngày đó, Định An còn được xem là khu rừng, là vùng giao tranh ác liệt giữa ta và địch.
Chính vì thế, sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước Định An vẫn là xã thuần nông với diện tích cây cao su xen kẽ với cây lúa, rau màu. Đến ngày 20-8- 1999, xã Định An được thành lập với diện tích tự nhiên 11.448 ha và 5.377 nhân khẩu, chia làm 7 ấp. Đến tháng 1-2004, Định An chia tách một phần diện tích và dân số để thành lập xã Định Thành nên hiện tại chỉ còn 7.030 ha, 1.832 hộ dân với 7.054 nhân khẩu.
Từ những nỗ lực không ngừng, sau 3 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), bước đầu xã Định An đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Theo đó, xã cơ bản hoàn thành 14/19 tiêu chí đạt chuẩn xây dựng NTM. Dự kiến đến cuối năm tiêu chí về điện và chợ sẽ hoàn thành để địa phương sớm về đích trong công tác xây dựng NTM. |
Khi mới thành lập, điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) của Định An còn thấp kém, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn. Từ một xã có tỷ lệ sản xuất ngành nông nghiệp chiếm 100% ngày thành lập, nay Định An đã phát triển kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Đến nay, cơ cấu kinh tế của xã là nông nghiệp 77,4%, thương mại - dịch vụ 9%, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp - xây dựng 13,6%. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm của xã từ 5 triệu đồng/người (năm 1999) lên đến 30 triệu đồng/người (năm 2014). Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,8%, tăng gấp đôi so với thời điểm mới thành lập xã.
Những ngày này, về xã Định An mới thấy hết không khí khẩn trương sản xuất, xây dựng quê hương của chính quyền và nhân dân nơi đây. Đến nay, xã Định An có 102 tuyến đường được đầu tư, sửa chữa với chiều dài hơn 87km, tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng; trong đó nhân dân đóng góp và giải tỏa đất không đền bù trị giá trên 5 tỷ đồng.
Dáng dấp nông thôn mới
Để phá thế tự cung tự cấp những năm đầu mới thành lập, xã Định An có chủ trương phát triển sản xuất hàng hóa gắn với thị trường nhằm tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Trong sản xuất nông nghiệp và chế biến sản phẩm, xã đã thực hiện cơ khí hóa các khâu làm đất, chế biến mủ cao su. Đây là tiền đề để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Đến nay, toàn xã đã có 11 cơ sở sản xuất, kinh doanh so với 6 cơ sở năm 1999; 263 hộ kinh doanh lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
Trên cơ sở quy hoạch phát triển KT-XH của xã, đồng thời khai thác điều kiện thuận lợi về đất đai và thổ nhưỡng, Đảng ủy, UBND xã Định An xác định cây cao su là chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng khác nên có chủ trương vận động nhân dân trồng loại cây này với tổng diện tích là 5.208 ha, tăng 1.725 ha so với thời điểm mới thành lập xã. Thành công của chủ trương này ở chỗ, trước đây cao su chủ yếu của doanh nghiệp Nhà nước trú đóng trên địa bàn, nhưng nay người dân đã chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả để trồng cao su.
15 năm sau ngày thành lập, xã Định An từ một vùng quê thuần nông nghèo khó của huyện Dầu Tiếng đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành một trong những xã có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và đi đầu trong công tác xây dựng NTM. Bà Hoàng Thị Thư, Chủ tịch UBND xã Định An cho biết dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã và sự sáng tạo trong quản lý, điều hành của chính quyền, cùng những nỗ lực to lớn của nhân dân, trong 15 năm qua Định An đã đạt được nhiều thành tựu, làm thay đổi diện mạo một xã vùng sâu, vùng xa. Trong thời gian tới lãnh đạo xã sẽ phải nỗ lực hơn nữa để đạt được những mục tiêu quan trọng, giúp nâng cao đời sống người dân, phát triển xã nhà.
KHÁNH VINH