Xã Chánh Mỹ (TX.TDM): Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang nông nghiệp đô thị

Thứ ba, ngày 27/12/2011

Xã Chánh Mỹ nằm ngoại ô TX.Thủ Dầu Một, trước năm 2009, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 60% nhưng nay diện tích này chỉ còn 5%. Sau 3 năm chuyển đổi từ nông nghiệp nông thôn sang nông nghiệp đô thị đã đưa nền kinh tế của địa phương phát triển sang hướng hoàn toàn mới. 

Nuôi cá kiểng là một trong những ngành nghề chuyển đổi phù hợp sang nông nghiệp đô thị của xã Chánh Mỹ

Đất nông nghiệp chỉ còn 5%

Xã Chánh Mỹ có tổng diện tích đất tự nhiên 690 ha, trong đó diện tích đất dự án chiếm khoảng 400 ha. Trước đó 2 năm, diện tích đất sản xuất nông nghiệp xã này chiếm tới 60%, chủ yếu trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: sen, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng... Tuy nhiên, từ đầu 2009 đến nay với những dự án như Khu biệt thự nhà vườn Thanh Lễ, Khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ... thì diện tích đất nông nghiệp chỉ còn 5%. Do vậy, xã chủ trương đô thị hóa nông nghiệp nông thôn, chuyển từ trồng trọt, chăn nuôi truyền thống sang làm quen và áp dụng mô hình sản xuất mới như nuôi cá kiểng, trồng hoa lan, trồng màu phủ bạt... Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và bỡ ngỡ khi chuyển sang loại hình nông nghiệp nông thôn mới nhưng giải pháp tạm thời mà xã Chánh Mỹ áp dụng là tận dụng quỹ đất chưa khai thác để sản xuất cây trồng ngắn ngày. Theo bà Nguyễn Kim Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Chánh Mỹ: “Việc chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị giống như bắt người nông dân từ bỏ “cái ao làng” quen thuộc để bước vào một môi trường nhỏ hơn, chật hẹp hơn. Trước đây, nông dân chủ yếu làm nông nghiệp như nuôi cá rô, ba ba... giờ diện tích đất còn lại khoảng 6 - 7 ha nên người dân tận dụng đất chưa san lấp để trồng rau muống, rau răm, kèo nèo, đậu rồng, dưa leo...”.

Chuyển nghề phù hợp

Trong những năm qua, HND xã đã phát động các cá nhân, tập thể sáng tạo tìm ra mô hình để tiếp tục sản xuất đạt kinh tế cao. Cùng với sự giúp đỡ hỗ trợ của cấp hội, các ngành về học tập, tập huấn, tham quan, từ đó đã xây dựng nên một số mô hình điểm như: nuôi ếch ở Mỹ Hảo 2; nuôi dê, nuôi cá kiểng ở Mỹ Hảo 1; trồng màu phủ bạt ở Chánh Lộc 6 và chuẩn bị cho dự án trồng cây thủy canh trong năm tới... Sau 3 năm, HND đã vận động hội viên hỗ trợ nhau về công, vật tư, tiền... cho 212 lượt hộ với số tiền 566,7 triệu đồng. Tổ chức 17 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật với 533 lượt hội viên tham dự. 122 lượt hộ nhận được sự hỗ trợ tích cực từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội với số vốn 1,140 tỷ đồng. Kết quả đạt được trong năm 2011, xã đã tận dụng số diện tích đất còn lại để gieo trồng lúa với hơn 6 ha ở vụ đông xuân và hè thu đạt năng suất 35 tạ/ha; hàng năm có 10 hộ ở chi hội Chánh Lộc 5 trồng gần 3 ha kiệu đã mang lại thu nhập chính cho gia đình. Về chăn nuôi, ở chi hội Chánh Lộc 6 luôn giữ số lượng gà từ 3.000 đến 10.000 con. Tận dụng hơn 100 ha đất chưa san lấp, ấp Mỹ Hảo 1 tổ chức nuôi dê từ 50 con ban đầu lên 140 con. Đây là mô hình có điều kiện phát triển trong hội viên. Ngoài ra, còn có một số hộ nuôi cá và nuôi vịt cũng góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Tuy nhiên, việc tận dụng diện tích đất chưa san lấp để sản xuất chỉ là giải pháp tạm thời đối với sự phát triển của địa phương. Bước sang năm 2012, xã sẽ tích cực chuyển đổi mạnh nông nghiệp đô thị như trồng cây kiểng, rau sạch... đối với lao động trung niên. Xây dựng mô hình trồng cây thủy canh thí điểm và mở các lớp tập huấn góp phần trang bị kiến thức cho hội viên. Giải pháp để phát triển lâu dài mà xã Chánh Mỹ đặt ra là hướng dẫn cho thế hệ con em chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Dựa vào sự hỗ trợ của các chương trình tín dụng học sinh - sinh viên để hỗ trợ con em nông dân. Sau 4 năm thực hiện, toàn xã đã có 190 con em của 175 hộ gia đình đi học trung cấp nghề, cao đẳng, đại học...

THANH LÊ