Xã Cây Trường, huyện Bàu Bàng: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới
Chuyển dịch theo hướng công nghệ cao
Ông Nguyễn Văn Phúc, chủ trại chăn nuôi heo tại ấp Ông Thanh, xã Cây Trường, phấn khởi giới thiệu: “Trước giờ gia đình sống bằng nghề chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát kết hợp với 5 ha cao su là nguồn thu nhập chính. Mấy năm gần đây giá cao su lên xuống thất thường, gia đình cũng định chuyển hướng làm ăn, nhưng không biết bằng cách nào thì được địa phương giới thiệu đi học tập chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ kiến thức học tập được kết hợp kinh nghiệm thực tế gia đình quyết định đầu tư trên 2 tỷ đồng để xây dựng trại nuôi heo sạch bằng công nghệ lạnh, khép kín. Được địa phương hỗ trợ rất tận tình trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý đến khâu liên hệ kỹ thuật, nên gia đình rất an tâm. Hiệu quả bước đầu cho thấy việc chăn nuôi theo hướng công nghệ cao mang lại hiệu quả gấp mấy lần làm cao su như hiện tại”.
Thi công đường nông thôn tại xã Cây Trường, huyện Bàu Bàng
Đưa chúng tôi tham quan trại nuôi heo bằng công nghệ lạnh, ông Phúc cho biết chăn nuôi muốn ổn định, có lãi thì phải tận dụng tối đa các phế phẩm nhưng phải trên nền tảng sạch. Muốn vậy phải ứng dụng công nghệ cao. Lứa đầu tiên ông thả nuôi đạt tỷ lệ 110 tấn với tiền công nuôi là 3.000 đồng/ kg. Trừ hết chi phí lãi được trên 200 triệu đồng sau gần 5 tháng. Hiệu quả hơn cả 5 ha cao su với diện tích chỉ khoảng 2.000m2. “Do đợt đầu tiên thả nuôi lượng phân thải ra hầm biogas ít, nên thời gian đầu phải dùng điện lưới với chi phí khoảng 10 triệu đồng/tháng. Từ lứa thứ hai trở đi hầm biogas bắt đầu phát sinh gas đủ để vừa chạy máy phát điện, bơm nước, sinh hoạt… số tiền này đủ để chúng tôi trả lương thêm cho 2 lao động thường trực tại trang trại. Bằng công nghệ khép kín, trang trại không chỉ đáp ứng yêu cầu về môi trường mà con góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường”, ông Phúc tâm sự.
Được biết, trên địa bàn còn nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp được đầu tư lớn, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật công nghệ cao và kết quả mang lại ngoài mong đợi.
Đồng tình xây dựng
Trong 3 năm triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, UBND xã Cây Trường đã cử 28 cán bộ công chức xã cùng 70 nông dân tham gia các lớp tập huấn do ngành nông nghiệp tổ chức. Bên cạnh đó, xã Cây Trường còn phối hợp tổ chức 23 lớp chuyển giao công nghệ với 987 người tham gia, mở 9 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 449 người dự học. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở trên 91%; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trên 41%; duy trì tốt tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt trên 70%; 3/4 ấp trong xã được công nhận là ấp văn hóa; trên 98% hộ dân trong xã sử dụng nước sạch đạt chuẩn quốc gia. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt yêu cầu về môi trường.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cây Trường BÙI ĐỨC TRUNG: Có những tiêu chí không phù hợp với địa phương
Thực tế triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới có một số tiêu chí chưa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Do cơ cấu kinh tế của xã chủ yếu là nông nghiệp, để đạt được mục tiêu tỷ lệ cơ cấu lao động trong độ tuổi làm việc thuộc các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp 20% là khó thực hiện được. Tiêu chí thu nhập bình quân/ người so với mức bình quân chung ở khu vực nông thôn của tỉnh là bất hợp lý. Nguyên nhân do địa phương là xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nên rất khó để đạt được tiêu chí này.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cây Trường Bùi Đức Trung, cho biết qua 3 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, từ nguồn vốn ngân sách và vận động đóng góp của bà con nhân dân trong xã đã giúp địa phương xây dựng mới trụ sở Ban Chỉ huy quân sự xã, 3 cây cầu nông thôn, 2 tuyến đường giao thông nông thôn và hệ thống loa truyền thanh không dây với tổng số tiền trên 6,8 tỷ đồng. Trường tiểu học của xã cũng được xây mới, đạt chuẩn quốc gia với kinh phí trên 53 tỷ đồng, sửa chữa lớn trường mẫu giao với kinh phí 1,6 tỷ đồng. UBND xã đã vận động nhân dân hiến đất mở 2 tuyến đường giao thông nông thôn gồm tuyến đường cầu Ông Lợi ở ấp Suối Cạn dài 1.500m, rộng 5m và tuyến đường Ông Hoàng, ấp Bà Tứ dài 1.100m, rộng 7m với tổng diện tích 15.200m2. Ngoài ra, bà con nhân dân, doanh nghiệp trong xã cũng đã đóng góp, sửa chữa các tuyến đường giao thông trong xã với tổng kinh phí trên 770 triệu đồng. Kết quả trên đã góp phần hình thành bộ mặt nông thôn mới của xã.
DUY CHÍ