Xã Bạch Đằng, Tx.Tân Uyên: “Điểm sáng” trong công tác hòa giải cơ sở

Thứ năm, ngày 06/02/2020

(BDO)  Hiện nay, trên địa bàn xã Bạch Đằng có 6 Tổ hòa giải cơ sở (HGCS) với 33 thành viên. Trong năm qua, Tổ HGCS đã hòa giải thành nhiều mâu thuẫn mới phát sinh, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

 

Các thành viên trong Tổ hòa giải cơ sở ấp Bình Hưng trao đổi kinh nghiệm hòa giải

 Gii quyết ngay t ban đầu

Bạch Đằng là xã cù lao thuần nông với cây trồng truyền thống là bưởi ổi, bưởi đường lá cam. Kinh tế của xã phát triển theo hướng nông nghiệp - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp. Trong những năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, địa phương đã có sự phát triển đồng bộ trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. Tình hình an ninh trật tự được ổn định, phong trào xây dựng đời sống văn hóa được duy trì và phát triển.

Cùng với sự phát triển, các mối quan hệ dân sự trong nhân dân xã ngày càng đa dạng, phức tạp. Trong đó, các mâu thuẫn, tranh chấp đất đai và các vụ việc liên quan đến đất đai tăng đột biến và trở thành vấn đề “nóng” tại địa phương. Riêng trong năm 2019, tại ấp Bình Hưng đã xảy ra 36 vụ, trong đó hơn một nửa là về tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, các vụ việc trên đều được Tổ HGCS ấp Bình Hưng hòa giải thành, không để phát sinh thành các vụ việc phức tạp, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.

Cùng với sự phát triển kinh tế, các mối quan hệ dân sự trong nhân dân xã ngày càng đa dạng, phức tạp, trong đó các vụ việc liên quan đến đất đai tăng đột biến và trở thành vấn đề “nóng” tại địa phương. Trong năm 2019, tại ấp Bình Hưng đã xảy ra 36 vụ, trong đó hơn một nửa là về tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, các vụ việc trên đều được Tổ HGCS ấp Bình Hưng hòa giải thành, không để phát sinh thành các vụ việc phức tạp, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.

Điển hình như trường hợp giữa gia đình bà Nguyễn Thị G. và Dương Thị C. xảy ra mâu thuẫn về lối đi chung. Theo đó, gia đình bà C. có lối đi nằm trên đất gia đình bà G. Vì lối đi này gập ghềnh nên gia đình bà C. đề nghị bà G. cho san lấp, đổ đá mi để thuận lợi cho việc đi lại. Tuy nhiên bà G. không đồng ý với lý do làm thay đổi hiện trạng đất của gia đình. Sau nhiều lần thỏa thuận không thành, một thành viên trong gia đình bà C. đã bực tức “gây sự” với bà G. dẫn đến mâu thuẫn. Khi vụ việc vừa xảy ra, Tổ HGCS ấp Bình Hưng cùng công an địa phương nhanh chóng xuống ổn định tình hình. Sau khi tìm hiểu vụ việc, Tổ HGCS tiến hành phân tích “lý - tình” cho hai gia đình hiểu rõ. Sau đó, người nhà gia đình bà C. đã xin lỗi bà G., đồng thời bà G. cũng đồng ý cho gia đình bà C. san lấp những đoạn đường gập ghềnh nhưng “không được thay đổi diện tích hoặc hiện trạng lối đi”.

Nói thêm điều này, ông Đinh Trung Tâm, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ HGCS ấp Bình Hưng, cho biết: “Đến nay, gia đình bà C. và bà G. không còn mâu thuẫn, họ đã hòa thuận với nhau. Đối với vụ việc như trên, Tổ HGCS đến từng gia đình để thăm hỏi, giải thích, thuyết phục trên phương diện tình làng nghĩa xóm là có thể hóa giải mâu thuẫn. Đối với những vụ việc phức tạp hơn thì còn có thêm lãnh đạo địa phương cùng các bên liên quan nhằm trao đổi rõ ràng, tìm tiếng nói chung mà giải quyết thỏa đáng dựa trên các quy định pháp luật hiện hành và tình làng nghĩa xóm. Sau khi hòa giải thành, Tổ HGCS tiếp tục vận động các bên tranh chấp tôn trọng và thực hiện đúng thỏa thuận đã đạt được. Đồng thời, các hòa giải viên còn theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các thỏa thuận sau hòa giải do mình trực tiếp giải quyết. Đối với các tranh chấp không đạt được thỏa thuận từ các bên, các hòa giải viên vận động, thuyết phục các bên tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết theo quy định”.

Gi vng tình làng nghĩa xóm

Cùng với Tổ HGCS ấp Bình Hưng, trên địa bàn xã Bạch Đằng còn có 5 Tổ HGCS với 30 thành viên. Các thành viên trong Tổ HGCS không chỉ có phẩm chất đạo đức tốt mà còn nắm vững kiến thức pháp luật, khả năng vận động, thuyết phục người dân và tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Nhờ vậy, họ có thể nhanh chóng nắm bắt tình hình diễn biến tại từng cụm dân cư và có những cách can thiệp, khuyên giải kịp thời, thỏa đáng.

Nói thêm công tác xây dựng lực lượng hòa giải viên trên địa bàn, bà Huỳnh Ngọc Khanh, công chức tư pháp - hộ tịch UBND xã Bạch Đằng, cho biết: “Công tác HGCS luôn được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Hàng năm, các hòa giải viên luôn được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng hòa giải do UBND thị xã và UBND xã tổ chức. Bên cạnh đó, UBND xã còn tổ chức hội thi “Hòa giải viên giỏi” cấp xã để tạo điều kiện cho các hòa giải viên trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng hòa giải, giúp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, UBND xã đã xây dựng quy ước đối với đời sống xã hội tại các ấp. Nhiều quy định của quy ước đã được lồng ghép vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Từ đó góp phần vào việc phát huy tinh thần dân chủ cơ sở, giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp ở địa phương” .

Theo bà Khanh, nhờ thực hiện tốt công tác trên mà chất lượng hoạt động hòa giải trên địa bàn xã luôn đạt kết quả cao. Sau khi hòa giải thành, các bên tranh chấp vẫn giữ được tình làng nghĩa xóm. Đặc biệt thông qua công tác hòa giải kết hợp với tuyên truyền pháp luật, nhiều người dân không những hiểu rõ quy định pháp luật mà còn tích cực tham gia đóng góp vào các phong trào tại địa phương.

Điển hình như trường hợp anh Lê Minh H. sau khi được hòa giải viên giải thích, anh không những đã khắc phục việc xả rác gây mất mỹ quan mà còn đóng góp 2 triệu đồng vào phong trào xây dựng xã Bạch Đằng “xanh - sạch - đẹp”.

Trong năm 2019, các Tổ HGCS xã Bạch Đằng đã tiếp nhận và hòa giải thành 78/78 vụ việc, đạt tỷ lệ 100%, tổng giá trị bằng tiền mặt các vụ tranh chấp hơn 7,7 tỷ đồng. Qua đó, góp phần ngăn ngừa phát sinh các loại tội phạm hình sự, tranh chấp về dân sự và các vi phạm pháp luật khác, hạn chế đơn thư khiếu kiện của người dân.

Bà Võ Thị Bảo Xuyên, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, cho biết để đạt được kết quả như trên là nhờ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, quy ước ấp gắn với xây dựng ý thức “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong nhân dân trên địa bàn. Công tác củng cố, kiện toàn các Tổ HGCS được UBND xã đặc biệt quan tâm. Các hòa giải viên còn chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật và kỹ năng hòa giải. Công tác phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể tại địa phương trong việc hòa giải các mâu thuẫn được nhịp nhàng và có hiệu quả. Việc lồng ghép hoạt động hòa giải với việc thực hiện phong trào khác tại địa phương đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần gắn công tác hòa giải với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

 NGUYỄN HẬU