Xã An Tây (Bến Cát): Dân “kêu cứu” vì ô nhiễm môi trường!

Thứ sáu, ngày 13/08/2010

Hơn 3 năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường “nước và khí thải” tại địa bàn ấp Lồ Ồ, xã An Tây, huyện Bến Cát đã được nhiều hộ dân phản ánh đến các cấp chính quyền địa phương và ngành chức năng nhưng cho đến nay nạn ô nhiễm vẫn chưa cải thiện. Theo người dân thì cốt lõi của vấn đề là do một số doanh nghiệp trong Khu công nghiệp (KCN) Việt Hương 2 xả thải chưa qua xử lý; KCN chưa có đầu ra cho nước thải sau khi xử lý... Đâu là thực tế vấn đề?

Bỏ giếng cũ, khoan giếng mới!

Từ năm 2000 đến nay, đa số người dân ngụ ở ấp Lồ Ồ, xã An Tây đều sử dụng nước giếng khoan ở tầng 1, với độ sâu khoảng 30-40m để sử dụng trong sinh hoạt, ăn uống. Tuy nhiên, sau khi nhiều nhà máy xí nghiệp trong KCN Việt Hương 2 đóng trên địa bàn đi vào hoạt động sản xuất thì nước giếng của nhiều hộ dân sống gần cổng KCN đã bị ô nhiễm nặng. Không ít nhà đã phải tốn thêm nhiều chi phí để mua nước bình về ăn uống, với giá từ 8.000-12.000 đồng/bình. Gia đình của bà Phạm Thị Đũa đã sử dụng nguồn nước giếng khoan ở độ sâu 33m cho sinh hoạt và ăn uống gần 10 năm qua nhưng từ sau năm 2007 thì nước từ giếng bơm lên có vị chua, mùi hôi nên gia đình không dám sử dụng cho việc ăn uống. Trao đổi với phóng viên (PV), bà Đũa bức xúc: “Trong khi giếng cũ vẫn còn đó thì gia đình tôi đã phải tốn hơn 3 triệu đồng để khoan giếng mới với độ sâu 63m. Hơn 1 năm về trước, hàng ngày nhà tôi phải đi xin nước ở xa đem về nấu ăn, nước uống có lúc phải mua nước bình nên rất tốn kém...”!

 

Nhiều cây, cỏ trong khu đất của KCN Việt Hương 2 đã bị chết khô

Do nhà nằm cách cổng của KCN Việt Hương 2 không xa nên nguồn nước giếng khoan tầng 1 của gia đình ông Vũ Ánh đã bị ô nhiễm nặng, không sử dụng được. Để bảo đảm cho việc sinh hoạt, ăn uống, ông Ánh đã phải thuê thợ đóng giếng mới có độ sâu gần 90m mới sử dụng được. Quá bức xúc, liên tục trong mấy năm qua, bà Phạm Thị Vấn, vợ ông Ánh cũng đã gửi đơn kiến nghị đến nhiều nơi để phản ánh về tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm và mùi hôi thối xuất phát từ KCN Việt Hương 2 nhưng cho đến nay; tình trạng này vẫn chưa được cải thiện. Ông Ánh bộc bạch: “Chi phí để đóng giếng mới, tôi phải tiêu tốn hết 20 triệu đồng; một số hộ dân khác có giếng khoan chỉ ở tầng 1 thì hiện không còn sử dụng được cho việc ăn uống...”.

Cũng do nguồn nước ngầm của nhà bị ô nhiễm mà gia đình anh Nguyễn Văn Lưu, dự tính thuê thợ khoan giếng mới với độ sâu khoảng 90m thì được báo giá là 25 triệu đồng nên hiện giờ anh vẫn chưa đủ tiền để thực hiện.

Cây chết khô vì nước thải?

Cán bộ môi trường xã An Tây, Dương Quốc Hải, cho biết: chiều ngày 30-7-2010, sau khi người dân ngụ ấp Lồ Ồ điện báo cho địa phương là KCN Việt Hương 2 đang xả nước thải thì lập tức anh cùng cán bộ địa chính của xã liền có mặt và cấp báo lên phòng tài nguyên - môi trường huyện Bến Cát kết hợp lập biên bản hiện trường và lấy mẫu nước gửi phân tích.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy: Tại hố gas nằm trên hệ thống thoát nước thải của KCN Việt Hương 2, tổ kiểm tra đã phát hiện có 3 bơm chìm dùng để bơm xả thẳng nước thải vào bãi đất trống trong khuôn viên của KCN theo 3 đường ống. Tại vị trí xả nước thải, nước đọng thành vũng lâu ngày và cây cối đang có dấu hiệu chết dần, một số cây đã chết khô. Theo ông Tào Quang Chỉnh, cán bộ vận hành Nhà máy Xử lý nước thải KCN Việt Hương 2 cho biết: việc xả thải này đã diễn ra cách đây khoảng 1 tháng.

Để đánh giá chất lượng nước thải, tổ kiểm tra đã tiến hành lấy 3 mẫu nước thải để gửi phân tích và yêu cầu nhà máy xử lý nước thải ngưng ngay việc xả tràn nước thải ra môi trường, cho đến khi có kết quả phân tích các mẫu...

Sáng 3-8, PV đã xác minh thực tế tại khu vực xả nước thải trước đó thì hiện nước vẫn còn đọng thành vũng, xung quanh cây, cỏ chết khô.

Trước đó, vào ngày 21-9-2007, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Việt Hương với số tiền gần 59 triệu đồng, với các hành vi: thực hiện không đúng một trong các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10 lần trở lên, trong trường hợp xả lượng nước thải từ 50m3/ngày đến dưới 5.000m3/ngày...

Hiện dư luận của người dân địa phương rất lo lắng là KCN Việt Hương 2 có nhiều dự án mang nguy cơ gây ô nhiễm cao, trong đó bao gồm những dự án như: thuộc da, dệt nhuộm, sản xuất túi nhựa... Nhưng xem ra việc xử lý nước thải tại KCN này “chưa ổn”, nhất là hệ thống thoát nước ở khu vực bên ngoài vẫn chưa xây dựng để dẫn nước thải sau xử lý ra sông Sài gòn.

Việc Nhà máy Xử lý nước thải của KCN Việt Hương 2 xả thải ra khu đất trong KCN sẽ tác động như thế nào cho môi trường? Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc sau khi có kết quả phân tích mẫu nước thải từ ngành chức năng.

TRUNG HẬU - QUANG TÁM