Xã An Sơn (TX.Thuận An): Đèn điện tỏa sáng vùng nông thôn

Thứ sáu, ngày 18/04/2014

 Từ chủ trương đúng đắn, nhân dân xã An Sơn (TX. Thuận An) đã đồng lòng ủng hộ đóng góp sức người, sức của để đèn điện được tỏa sáng khắp vùng nông thôn. Các ngõ tối ở An Sơn trước đây nay đã sáng ánh điện, khiến nhân dân rất phấn khởi.

 TỪ MỘT ẤP ĐIỂM

Chúng tôi đến xã An Sơn khi trời chập tối, cùng đi với chúng tôi là bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã và ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ấp Phú Hưng để tận mắt xem các con đường nông thôn ở đây được trang bị đèn chiếu sáng như thế nào.  

 Đường An Sơn 26 giờ đây đã sáng ánh điện, giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn hơn

Điểm dừng chân là đường An Sơn 26, ấp Phú Hưng, nơi được coi là con đường tiêu biểu của ấp. Trước mắt chúng tôi là con đường được trải bê tông phẳng lì, ánh đèn điện tỏa sáng rực cả một vùng, có thể thấy rõ sự khác biệt khi bên kia đường là đường An Sơn 27 khá tối vì chưa được gắn đèn chiếu sáng. Quan sát thấy có khoảng hơn 10 bóng đèn được gắn trên các trụ điện của ngành điện lực, khoảng cách từ đèn này đến đèn kia là 25m. Ông Hùng cho biết đoạn đường này dài khoảng 300m, trong đó 250m đường đã được trang bị đèn. Đèn sử dụng là loại đèn Compact tiết kiệm điện, mỗi bóng có công suất khoảng 36W.

Theo quy định, mỗi ngày đèn sẽ mở vào lúc 18 giờ chiều đến 5 giờ sáng hôm sau. Tổng chi phí cho việc lắp đặt bóng điện ở ấp Phú Hưng khoảng 5 triệu đồng. Đồng hồ điện được gắn vào một hộ dân, mỗi tháng, khi tính tiền điện sẽ chia đều ra cho từng hộ. Trung bình, mỗi hộ đóng khoảng 15.000 đồng tiền điện mỗi tháng. Vì đây là con đường đầu tiên thực hiện nên phía điện lực về thi công gắn bóng và lắp đặt đồng hồ chung, các con đường khác thực hiện mô hình này thì mỗi hộ dân sẽ lắp bóng nối vào đường dây điện của gia đình để mỗi hộ sẽ thanh toán tiền điện riêng.

Từ ngày đèn điện được trang bị ở xóm, nhân dân ở đây rất phấn khởi. Bà Trần Thị Thu Thủy, một người dân của ấp, nói: “Trước đây, con đường này tối lắm, các đối tượng xấu từ địa phương khác lợi dụng con đường này để hút chích hoặc trộm cắp; chưa hết, đường tối còn gây tai nạn giao thông cho người chạy xe trên tuyến đường này. Kể từ ngày đèn được thắp sáng, con đường nông thôn đã thay đổi, các tệ nạn giảm hẳn, người dân được đi trên con đường an toàn. Vì thế, không chỉ riêng tôi mà các hộ xung quanh đây đều rất vui mừng”.

“Việc thực hiện thành công mô hình đèn điện thắp sáng đường nông thôn đã tạo được uy tín giữa cán bộ, đảng viên với người dân, tạo được lòng tin của nhân dân, giúp gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa nhân dân với chính quyền. Từ đó, 2 bên cùng chung sức, chung tay xây dựng nông thôn mới”. (Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ấp Phú Hưng, xã An Sơn)

 

Bà Vân nói sở dĩ ấp Phú Hưng được chọn làm điểm để thực hiện mô hình đèn điện thắp sáng đường nông thôn bởi đây là ấp làm rất tốt việc vận động nhân dân, quần chúng tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Hùng cho biết ấp hiện còn 3 hộ nghèo, mỗi hộ đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ thì có 4 người đã có 3 người bị bệnh, có hộ thì vợ con bệnh triền miên. Vì thế, Ban lãnh đạo ấp đã huy động nguồn lực từ nhân dân để ủng hộ tiền giúp các gia đình chạy chữa thuốc thang. Trong lần gần đây nhất, ấp đã vận động 2 đợt, tổng cộng được 4,6 triệu đồng.

Hay như hộ gia đình bà Trần Thị Thu Thủy, 1 trong 3 hộ nghèo của ấp, trước đây gia đình bà được xây tặng 1 căn nhà tình thương, đến nay đã cũ; nhờ được sự giúp đỡ của nhân dân và lãnh đạo địa phương vợ chồng bà cố gắng làm ăn xây dựng thêm một phần để nới rộng căn nhà.

Các con đường nông thôn ở đây cũng được huy động từ sức dân. Ông Hùng cho biết, con đường An Sơn 26 được tráng bê tông là từ kinh phí của nhân dân đóng góp. Đường được đổ bê tông dài 120m, tổng chi phí làm đường là 120 triệu đồng và 40 công. Trong đó, ông Nguyễn Văn Sơn, một người dân trong xóm bỏ ra khoảng 60 triệu đồng, phần còn lại bà con trong xóm đóng góp. Hiện nay, ở ấp Phú Hưng đã có 4 con đường được đổ bê tông như thế, các con đường còn lại cũng được đổ sỏi để thuận tiện cho việc đi lại của người dân, nhất là mỗi khi trời mưa.

CHỦ TRƯƠNG HỢP LÒNG DÂN

Để có được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã An Sơn đã có những chủ trương, những mô hình hay hợp lòng dân. Mô hình Đèn điện thắp sáng đường nông thôn xuất phát từ việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cùng với việc góp phần vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã đã phát động trong toàn thể nhân dân và giao Hội Nông dân xã là đơn vị triển khai thực hiện mô hình này.

Tính đến thời điểm này, có 4 con đường đã thực hiện xong là đường An Sơn 15, An Sơn 16, An Sơn 17 và An Sơn 26. Mỗi con đường có kinh phí thực hiện từ 1,2 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Với việc huy động sức dân, toàn bộ công trình lắp đèn điện chiếu sáng do nhân dân đóng góp.

Ông Hùng nói: “Khi có chủ trương thực hiện mô hình này, chúng tôi tổ chức họp dân để lấy ý kiến. Với chủ trương đúng đắn như thế thì ai cũng đồng tình ủng hộ khiến cho công tác vận động rất thuận lợi”. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã An Sơn Nguyễn Thị Hồng Vân, khẳng định: “Việc thực hiện mô hình này đã giải quyết các vấn đề bức thiết, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân trong việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông tại địa phương; đồng thời tạo cảnh quan đẹp cho bộ mặt của một xã nông thôn. Chúng tôi sẽ cố gắng đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện mô hình ở các tuyến đường còn lại, để làm sao tất cả các tuyến đường sẽ được thắp sáng chào mừng ngày sinh nhật Bác 19-5”.

 NGỌC NHƯ