Xã An Bình: Điểm sáng về làm đường giao thông nông thôn
“Mời các anh về An Bình xem cách làm đường giao thông nông thôn sáng tạo của địa phương này. An Bình là điểm sáng của huyện về xây dựng đường giao thông nông thôn”. Một cán bộ phòng Quản lý đô thị huyện Phú Giáo nói khi trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương.
(BDO)
Vượt khó xây dựng nông thôn mới
Ông Võ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã An Bình, cho biết xã đã xây dựng nông thôn mới (NTM) được 7 năm. Nằm khá xa trung tâm tỉnh lỵ nên quá trình xây dựng NTM An Bình gặp rất nhiều khó khăn. Trong số các tiêu chí NTM có tiêu chí số 2 về giao thông và tiêu chí số 4 về điện địa phương gặp khó khăn nhất. Hiện trên địa bàn xã có Nông trường Cao su An Bình và Nông trường Cao su Đồng Sen (Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa) đã chiếm phần diện tích đất tương đối bằng phẳng hơn 2.300 ha. Các hộ dân trên địa bàn xã chủ yếu sinh sống dọc tuyến đường ĐT741 và các vùng da beo ven theo các đường suối Rạt, suối Mía, suối Bà Mụ, suối Xom... do các nông trường để lại.
Nhờ có cách làm sáng tạo và khéo vận dụng sức dân, các tuyến đường giao thông nông thôn được xã An Bình đầu tư xây dựng sạch đẹp. Trong ảnh: Đường liên ấp sỏi xanh do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Bình chung tay xây dựng. Ảnh: K.VINH
Từ nguyên nhân đó dẫn đến trên địa bàn xã có nhiều tuyến đường đi và khá dài. Cụ thể, toàn xã có 210 tuyến đường giao thông các loại với tổng chiều dài hơn 151,6km, trong đó đường liên xã có 5 tuyến, đường trục ấp và liên ấp 51 tuyến, đường ngõ xóm 98 tuyến, đường trục chính nội đồng 56 tuyến. Với một khối lượng tuyến đường lớn như vậy đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư lớn của Nhà nước mới có thể đầu tư nâng cấp, mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương hiện nay.
“Khó khăn nhất vẫn là vốn, bởi dù có mạng lưới giao thông chằng chịt nhưng hàng năm xã chỉ nhận được khoảng từ 4 - 5 tỷ đồng từ huyện và từ nguồn vốn mục tiêu, trong khi làm 1km đường nhựa có bề ngang 5m đã là 2 - 2,2 tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, chúng tôi phải linh động trong cách làm đường giao thông để đạt mục tiêu đề ra”, ông Lợi cho biết. Sự linh động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Bình thể hiện ở chỗ, xã tận dụng đường sỏi đỏ có sẵn từ trước để “bo, gạt” lại rồi rải lớp đá xanh lên bề mặt dày 5cm. Cách làm đường này không chỉ bảo đảm chất lượng, nhu cầu đi lại của người dân mà còn rất tiết kiệm được vốn đầu tư, với chỉ 60 triệu đồng/km đường giao thông nông thôn.
Bài học huy động sức dân
Trong quá trình xây dựng đường giao thông nông thôn, UBND xã An Bình đã phát động mạnh mẽ phong trào chung tay xây dựng NTM đến các tổ chức đoàn thể chính trị, các ấp, doanh nghiệp và từng hộ dân nơi có công trình giao thông nông thôn. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong 9 tháng năm 2018 xã đã vận động được số vốn 1 tỷ đồng để đầu tư dặm vá, nâng cấp 17 tuyến đường với chiều dài 7.140m, bằng các chất liệu đất, sỏi đỏ, đá dăm, bê tông xi măng.
Do nguồn vố từ ngân sách Nhà nước có giới hạn nên UBND xã phải tổ chức khảo sát các tuyến đường trên địa bàn sao cho phù hợp theo các nguyên tắc ưu tiên đấu nối ĐT741, khu đông dân cư thì đầu tư trước. Trong quá trình tư vấn thiết kế các tuyến đường, xã đều công khai và lấy ý kiến nhân dân tại khu vực, tổ chức họp dân công khai ngày khởi công, bầu ra tổ giám sát và tổ chức giám sát hàng ngày; cùng với đó tổ chức nghiệm thu khi công trình thi công xong. Từ đó chất lượng công trình đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã được nâng lên, bảo đảm phù hợp mong muốn của nhân dân trên địa bàn.
Không chỉ dựa vào vốn ngân sách, xã An Bình đã tranh thủ huy động nguồn vật chất từ các mỏ đá trên địa bàn xã, phương tiện từ các doanh nghiệp để vận chuyển vật liệu xây dựng để làm đường giao thông. Bên cạnh đó, xã đã huy động nguồn nhân lực từ các đơn vị bộ đội, các đơn vị đứng chân trên địa bàn, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể của xã và nhân dân; huy động nguồn vốn từ ngân sách xã (vốn dặm vá, nâng cấp năm 2018) từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, từ nhân dân tại khu vực có công trình đi qua. Ngoài ra, xã giao cho các ấp khảo sát các tuyến đường cần nâng cấp (có sự giám sát và hỗ trợ của UBND xã), tạm tính vật chất, nhân lực, phương tiện thành tiền. Các ấp tổ chức họp dân tại khu vực có công trình để công khai và vận động đóng góp của nhân dân với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Về vấn đề này, ông Lợi cho biết: “Tiền của dân đóng góp, chúng tôi phải tìm cách sử dụng tuyệt đối minh bạch và hợp lý. Sau khi vận động được tiền và vật chất mà nhân dân đóng góp, nếu còn thiếu thì UBND xã bù vào bằng nguồn vốn dặm vá hàng năm. Chúng tôi giao cho người có uy tín tại khu vực có công trình quản lý, các hộ khác giám sát thi công cho đến khi hoàn thành thì tổ chức nghiệm thu công khai. Nhờ tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao như thế nên hệ thống giao thông nông thôn toàn xã An Bình đến nay phát triển đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân”.
MINH NGUYỄN