WHO xem xét lập quỹ khẩn cấp đối phó với dịch bệnh nguy hiểm
(BDO) Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố cần có những phương tiện và nguồn vốn bổ sung nhằm phản ứng nhanh với sự bùng phát của những dịch bệnh nguy hiểm, sau khi có những chỉ trích mạnh mẽ rằng cơ quan này chậm trễ trong việc đối phó với dịch bệnh Ebola thời gian qua.
Đây là kết luận của WHO đưa ra ngày 25-1 tại Geneva, Thụy Sĩ sau phiên họp khẩn cấp của Ủy ban chấp hành WHO về công tác chống dịch bệnh do virus Ebola.
Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ cá nhân (PPE) bên ngoài trung tâm chữa trị Ebola ở Liberia. Nguồn: AFP/TTXVN
Trong số những biện pháp mà Ủy ban chấp hành WHO tán thành có việc thành lập một quỹ khẩn cấp để nhanh chóng đối phó với dịch bệnh bất ngờ bùng phát và hình thành một nhóm chuyên gia toàn cầu, những người có thể được cử đến các khu vực dịch bệnh đang hoành hành bất kỳ lúc nào.
Dự kiến, kế hoạch trên sẽ được các nước thành viên WHO thảo luận tại phiên họp thường niên của Đại hội đồng WHO vào tháng 5 tới tại Geneva.
Theo trợ lý của Tổng giám đốc WHO Margaret Chan, ông Bruce Aylward, quỹ khẩn cấp nói trên dự kiến sẽ có số tiền khởi điểm là 100 triệu USD.
Con số này trước đó cũng đã được đề cập hồi năm 2011 sau khi xảy ra dịch cúm giai đoạn 2009-2010, tuy nhiên, khi đó quỹ này đã không được thành lập. Ông Aylward cũng cho biết để thành lập được nhóm phản ứng nhanh cần có khoảng 1.500 chuyên gia.
Phát biểu tại phiên họp khẩn cấp thứ ba trong lịch sử của WHO này, Tổng giám đốc WHO đã kêu gọi "thành lập một hệ thống bảo vệ an ninh y tế tập thể toàn cầu mạnh mẽ hơn."
Bà thừa nhận WHO đã phản ứng chậm trong việc đối phó với dịch bệnh Ebola, cướp đi sinh mạng của gần 9.000 người chỉ trong một năm qua.
Thảm kịch Ebola là một bài học đối với thế giới, trong đó có cả WHO, tuy nhiên nó cũng để lại nhiều bài học về hoạt động đối phó trong tương lai. Do đó, ưu tiên trong năm 2015 của WHO là giúp các nước vẫn đang bị Ebola hoành hành thoát khỏi dịch bệnh nguy hiểm này.
Theo số liệu của WHO, trong năm ngoái, 21.724 trường hợp nhiễm virus Ebola được ghi nhận ở 9 nước, trong đó "tâm chấn" của dịch bệnh là ba nước Tây Phi (gồm Guinea, Liberia và Sierra Leone).
Số bệnh nhân tử vong do virus Ebola lên tới 8.641 người. Tuy nhiên, thông báo mới nhất của WHO cho thấy các trường hợp nhiễm Ebola đang giảm đáng kể tại ba nước Tây Phi và các quốc gia này đã được trang bị đầy đủ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Theo VIETNAM+