WHO: Thuốc lá không chỉ gây hại sức khỏe mà đang đầu độc môi trường

Thứ bảy, ngày 28/05/2022

(BDO)

Thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe của mỗi người mà mỗi sản phẩm thuốc lá được sử dụng đều gây hại cho môi trường.

Sử dụng thuốc lá thực sự đốt cháy tài nguyên môi trường của chúng ta, nơi mà sự tồn tại của chúng ta phụ thuộc vào. Mọi người phải biết một sự thật rằng thuốc lá đang đầu độc môi trường.

Tiến sỹ Socorro Escalante - Quyền đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại buổi Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25-31/5), do Bộ Y tế phối hợp với Trung Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức sáng 28/5 tại Hà Nội.

8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong là những người không hút thuốc có tiếp xúc với khói thuốc thụ động.

“Việc trồng trọt và sản xuất thuốc lá đầu độc không khí, nước, đất, các bãi biển và đường phố của chúng ta bằng các chất hóa học, chất thải độc hại, tàn thuốc và vi nhựa. Trồng thuốc lá góp phần vào nạn phá rừng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Mỗi năm, khoảng 3,5 triệu ha đất bị phá để trồng thuốc lá và 600 triệu cây bị chặt để lấy gỗ sấy nguyên liệu thuốc. Việc phá rừng dẫn đến suy thoái đất và làm giảm khả năng hỗ trợ các cây trồng khác của đất,” Tiến sỹ Socorro Escalante phân tích.

Quyền đại diện WHO Việt Nam cho hay thuốc lá góp phần vào biến đổi khí hậu và giảm khả năng chống chịu với khí hậu. Ngành công nghiệp thuốc lá tạo ra khí nhà kính tương đương với 84 triệu tấn carbon dioxide, làm trái đất nóng lên và phá hủy các hệ sinh thái. Thuốc lá cũng góp phần làm tăng mức độ ô nhiễm không khí.

Tiến sỹ Socorro Escalante - Quyền đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bà Socorro Escalante đánh giá cao thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua trong việc giảm sử dụng thuốc lá. Đó là khảo sát toàn cầu về học sinh trung học cũng nêu rõ tiến bộ trong việc giảm sử dụng thuốc lá ở thanh niên Việt Nam.

So sánh dữ liệu năm 2013 với dữ liệu gần đây nhất (năm 2019) cho thấy thấy: giảm đáng kể tỷ lệ học sinh đã thử thuốc lá hoặc thuốc lào từ 12,1% xuống 8,3%; giảm tỷ lệ học sinh hiện đang hút thuốc lá hoặc thuốc lào từ 5,4% xuống 2,8%.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Phát biểu tại buổi lễ, Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám-chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho hay những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc.

Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.

Phó giáo sư Khuê cho biết theo số liệu thống kê mới nhất, tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3%. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà.

Riêng đối với tỷ lệ hút thuốc trong học sinh, kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh Toàn cầu tại Việt Nam do Tổ chức Y tế thế giới thực hiện năm 2019 cho thấy tỷ lệ hút thuốc trong học sinh độ tuổi 13-17 giảm từ 5,36% năm 2013 xuống 2,78% năm 2019 (giảm gần 50%). Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Ông Khuê cũng nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng gặp nhiều khó khăn như tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao với 42% nam giới trưởng thành hút thuốc. Đặc biệt, hiện nay, trên thị trường lại xuất hiện các sản phẩm như thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá hút Shisha và được mua bán, quảng cáo nhiều trên mạng xã hội và chủ yếu nhằm vào giới trẻ.

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám-chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

“Đây cũng là những sản phẩm gây nghiện và có hại cho sức khỏe, chúng ta không kịp thời ngăn chặn thì trong tương lai gần, các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ra cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, đặc biệt là các hậu quả về sức khỏe trong thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, thực trạng thuốc lá được bán tràn lan ở khắp mọi nơi, giá thuốc lá rẻ, thuế thuốc lá thấp cũng là nguyên nhân làm cho khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá và làm giảm hiệu quả của các nỗ lực cai nghiện thuốc lá,” ông Khuê phân tích.

Vì vậy, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các tổ chức, đoàn thể và tất cả mọi người thực thi nghiêm quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và mỗi cá nhân hãy bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình, cho gia đình và cho cộng đồng đồng thời hạn chế rác thải gây ô nhiễm môi trường.

Tiến sỹ Socorro Escalante nhấn mạnh vẫn còn rất nhiều việc cần làm phía trước để tiếp tục giảm những tỷ lệ này. WHO tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Công ước khung của WHO về Kiểm soát Thuốc lá và Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.

WHO khuyến nghị đánh thuế thuốc lá cao hơn để khuyến khích người hút thuốc cai thuốc lá và ngăn thanh niên bắt đầu hút thuốc.

WHO cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tăng cường pháp luật, bao gồm việc thực hiện và củng cố các kế hoạch hiện có để khiến các công ty thuốc lá chịu trách nhiệm về chi phí kinh tế và môi trường của chất thải sản phẩm thuốc lá./.

Theo TTXVN