WHO thông báo 2 ca bệnh đậu mùa khỉ lây truyền đầu tiên tại Anh

Thứ tư, ngày 06/11/2024

(BDO) WHO cảnh báo rằng các quốc gia châu Âu nên chuẩn bị "hành động nhanh chóng" để ngăn chặn biến thể mpox mới nhất, lây lan qua tiếp xúc vật lý gần, bao gồm quan hệ tình dục và ở chung không gian kín.


Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cho người dân.

Ngày 5/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hai ca bệnh mới thuộc nhóm biến thể đậu mùa khỉ (mpox) 1b được phát hiện tại Anh là những ca bệnh lây truyền tại Anh đầu tiên tại châu Âu và là những ca đầu tiên bên ngoài châu Phi.

Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) đã xác nhận vào cuối ngày 4/11 rằng ca bệnh mới là những người tiếp xúc trong gia đình với ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại Anh vào tuần trước, nâng tổng số ca bệnh được xác nhận tại Anh lên ba trường hợp.

WHO cảnh báo rằng các quốc gia châu Âu nên chuẩn bị "hành động nhanh chóng" để ngăn chặn biến thể mpox mới nhất, lây lan qua tiếp xúc vật lý gần, bao gồm quan hệ tình dục và ở chung không gian kín.

Hai ca bệnh này cũng là những ca đầu tiên lây truyền tại Anh bên ngoài châu Phi kể từ tháng 8/2024, khi WHO tuyên bố đợt bùng phát của biến thể mới là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế - mức báo động cao nhất.

UKHSA cho biết những người bị ảnh hưởng đang được chăm sóc chuyên khoa và nguy cơ đối với người dân Anh "vẫn ở mức thấp."

Ca bệnh đầu tiên được phát hiện sau khi bệnh nhân đi nghỉ ở một số quốc gia châu Phi và trở về Anh vào ngày 21/10. Bệnh nhân phát triển các triệu chứng giống cúm sau hơn 24 giờ và vào ngày 24/10, bắt đầu phát ban và tình trạng trở nên tồi tệ hơn vào những ngày sau đó.

Đậu mùa khỉ, một bệnh do virus liên quan đến bệnh đậu mùa, có hai loại, nhóm 1 và nhóm 2. Các triệu chứng bao gồm sốt, phát ban trên da hoặc mụn nước chứa mủ, sưng hạch bạch huyết và đau nhức cơ thể.

WHO lần đầu tiên tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế vào năm 2022 do sự lây lan của nhóm 2. Đợt bùng phát đó chủ yếu ảnh hưởng đến những người đàn ông đồng tính và song tính ở Châu Âu và Mỹ.

Các chiến dịch tiêm chủng và nâng cao nhận thức ở nhiều quốc gia đã giúp ngăn chặn số ca bệnh trên toàn thế giới và WHO đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào tháng 5/2023 sau khi báo cáo 140 ca tử vong trong số khoảng 87.400 ca bệnh.

Vào năm 2024, một đợt dịch hai nhánh của clade 1 và clade 1b, một chủng mới ảnh hưởng đến trẻ em, đã lan rộng ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Chủng mới cũng đã được ghi nhận ở các nước láng giềng Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda, với các trường hợp nhập cảnh ở Thụy Điển, Ấn Độ, Thái Lan, Đức và Anh./.

Theo TTXVN