WHO lý giải nguyên nhân vì sao chưa thể coi COVID-19 là cúm mùa
(BDO)
Cận cảnh lấy vaccine ngừa COVID-19
Có điểm tương đồng giữa COVID-19 và cúm mùa. Tuy nhiên COVID-19 không theo mùa, trong khi cúm mùa thường vào mùa đông. Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu về COVID-19 và có thể nói rằng quá sớm để khẳng định COVID-19 giống như bệnh cúm mùa.
Tiến sỹ Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh như vậy tại buổi gặp gỡ báo chí thông tin về các biện pháp ứng phó với COVID-19 sau khi WHO chính thức tuyên bố chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu của đại dịch này. Sự kiện do WHO và Bộ Y tế tổ chức chiều 8/5.
Không thể coi COVID-19 như cúm mùa
Bà Angela Pratt cho biết hiện nay tình trạng thích ứng với COVID-19 đã trở nên tốt hơn rất nhiều, số ca mắc và tử vong đều giảm.
"Tuy nhiên, khi WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu không có nghĩa COVID-19 không còn là mối đe dọa hay là COVID-19 đã trở nên ít nguy hiểm hơn. Chúng ta không được mất cảnh giác với COVID-19," Tiến sỹ Angela Pratt nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi có nên coi COVID-19 là cúm mùa hay không?, bà Angela Pratt cho biết có những điểm tương đồng giữa cúm mùa và COVID-19. Tuy nhiên vẫn không thể coi COVID-19 như cúm mùa.
Nguyên nhân là do COVID-19 không theo mùa. Cúm mùa thường vào mùa đông nhưng COVID-19 ở nhiều quốc gia không hề theo mùa, có thể lây lan ở bất cứ loại thời tiết nào. Bên cạnh đó, COVID-19 vẫn còn là bệnh mới mẻ đối với cả thế giới và mới có 4 năm làm quen với COVID-19 trong khi các nhà khoa học trên thế giới đã có hàng thập kỷ nghiên cứu về cúm mùa, về các hành vi của virus, về các loại hình bệnh tật.
Do vậy, đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng hiện còn quá sớm để coi COVID-19 như bệnh cúm mùa.
Bà Angela Pratt cũng đánh giá cao các biện pháp ứng phó của Việt Nam với COVID-19. Ngay từ khi dịch bùng phát, Việt Nam đã có nhiều biện pháp ứng phó với COVID-19. Với tất cả các biện pháp phòng chống dịch đã triển khai đã giúp Việt Nam thành công trong phòng chống dịch. Ngay từ khoảng cuối năm 2021 đến nay, Việt Nam đã chuyển biện pháp ứng phó với COVID-19 để vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội.
Các chuyên gia trả lời tại cuộc họp.
Bà Angela Pratt cho rằng: "Đây không phải là lúc chúng ta nghỉ ngơi, số ca mắc vẫn tăng, vẫn có ca bệnh cần chăm sóc đặc biệt và vẫn có tử vong. Vì thế, dù miễn dịch trong cộng đồng do mắc phải và tiêm vaccine cao nhưng vẫn phải cảnh giác và có biện pháp thích hợp."
Việc chống dịch sẽ được thực hiện linh hoạt
Liên quan đến các biện pháp phòng chống COVID-19 tại Việt Nam, Giáo sư Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết bản thân SARS-CoV-2 vẫn có thay đổi. Theo công bố mới nhất vào đầu tháng 5, thế giới đã ghi nhận hơn 900 biến thể phụ của Omicron. Do đó không được chủ quan với dịch bệnh này.
Về việc Việt Nam có công bố hết dịch COVID-19 hay không, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết Việt Nam đã thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch. Hiện nay đại dịch vẫn chưa kết thúc dù không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Theo ông Lân, miễn dịch COVID-19 sẽ giảm theo thời gian và dịch vẫn có thể xuất hiện làn sóng mới từ khu vực này đến khu vực khác. Những ngày qua số ca mắc có xu hướng gia tăng, trung bình mỗi ngày Việt Nam vẫn ghi nhận hơn 2.000 ca mắc. Khoảng 10% số ca mắc có tình trạng hậu COVID-19 nên điều này cũng là gia tăng gánh nặng với hệ thống y tế.
Vì vậy, Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới. Việc chống dịch sẽ được thực hiện linh hoạt, phù hợp mới mức độ, diễn biến tình hình dịch. Bên cạnh đó, việc công bố các thông tin về dịch bệnh sẽ được Bộ Y tế thực hiện hàng ngày.
Liên quan đến việc tiêm chủng vaccine COVID-19, Phó giáo sư Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết Việt Nam đã tiêm được hơn 266,2 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó tỷ lệ tiêm vaccine ở nhóm nguy cơ cao và người có bênh nền đã đạt tỉ lệ bao phủ trên 80%. Việc tiêm chủng vaccine COVID-19 tới đây sẽ được thực hiện lồng ghép vào các buổi tiêm chủng thường xuyên hàng tháng (3-4 ngày).
Phó giáo sư Hồng cũng khuyến cáo người dân cần thực hiện tiêm đủ 2 liều vaccine cơ bản và tiêm các mũi bổ sung, mũi nhắc lại (mũi 3 và 4) theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Đại diện WHO cũng khuyến cáo dù miễn dịch trong cộng đồng và nhờ việc tiêm vaccine cao nhưng vẫn phải luôn đề cao cảnh giác và các biện pháp thích hợp đồng thời phải chuẩn bị cho những tình huống nguy cấp có thể xảy ra để nhằm tránh việc hệ thống y tế quá tải hoặc lơ là trước những sự kiện xảy ra trong tương lai.
WHO cũng khuyến cáo cần đưa việc tiêm phòng vaccine COVID-19 vào Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiếp tục tiêm chủng các mũi tăng cường cho người dân, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh nặng. Đặc biệt, Việt Nam vẫn phải có các hoạt động, giám sát chặt chẽ, trong đó có việc nâng cao các năng lực điều trị, cấp cứu… để đảm bảo khi số ca tăng lên thì hệ thống y tế và nhân viên y tế sẵn sàng và có năng lực đáp ứng thu dung, điều trị./.
Theo TTXVN