WHO lo ngại chất lượng mũ bảo hiểm Việt Nam
Mũ bảo hiểm chất lượng thấp không có tác dụng bảo vệ.
Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2012 cho thấy, hơn 80% mũ bảo hiểm xe máy không đạt chuẩn chất lượng quốc gia, đặc biệt là khả năng hấp thụ xung động.
Theo Tiến sĩ Takeshi Kasai, đại diện WHO tại Việt Nam, mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn hầu như không đem lại sự bảo vệ nào trong trường hợp xảy ra tai nạn.
Tại Việt Nam, tai nạn giao thông đường bộ là một nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật. Theo Bộ Y tế, hơn 15.000 người bị chết – tương đương với hơn 40 người một ngày – và hơn 400.000 người nhập viện trong tình trạng bị thương nặng từ các vụ giao thông đường bộ năm 2010.
Là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người tuổi từ 15-44 ở Việt Nam, các nạn nhân của tai nạn giao thông đường bộ thuộc nhóm dân số có hoạt động kinh tế mạnh nhất. Việt Nam mất khoảng 2,9% GDP mỗi năm do tai nạn giao thông đường bộ, gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế quốc gia và tăng trưởng.
Sự thành công của Việt Nam trong việc thực hiện đội mũ bảo hiểm xe máy bắt buộc đã được công nhận trên toàn thế giới, được xem như là một ví dụ điển hình để phát triển và thực hiện an toàn giao thông đường bộ có hiệu quả, đặc biệt là ở các quốc gia và khu vực lân cận với một mức độ tham gia giao thông cao bằng mô tô, xe gắn máy.
Trong khi tỷ lệ đội mũ bảo hiểm đã được duy trì ở mức hơn 90% kể từ năm 2007, thách thức vẫn còn. Mặc dù pháp luật bắt buộc trẻ em từ 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm, chỉ có ít hơn 40% trẻ em thực hiện theo quy định. "Với hàng triệu trẻ em đi lại bằng xe máy mỗi ngày, phần lớn các em vẫn phải đối mặt với nguy cơ cao bị chấn thương đầu nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong", Tiến sĩ Takeshi Kasai cho biết.
Uống rượu, bia và lái xe là một yếu tố nguy cơ chính đối với an toàn giao thông đường bộ tại Việt Nam. Một nghiên cứu của WHO trong năm 2010 cho thấy có gần 28% người lái xe mô-tô nhập viện có nồng độ cồn trong máu (BAC) vượt quá giới hạn cho phép.
"Với hệ thống pháp luật toàn diện hiện hành đối với vấn đề mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy và phòng chống uống rượu, bia và lái xe, nhiều tiến bộ đã đạt được trong nỗ lực giảm thiểu tác động của các nguy cơ đối với an toàn giao thông đường bộ tại Việt Nam. Bây giờ chúng ta phải tập trung vào công tác thực thi pháp luật nhằm phát huy hết tiềm năng sẵn có", ông kết luận.
Báo cáo hiện trạng An toàn giao thông đường bộ toàn cầu năm 2013: hỗ trợ một thập kỷ hành động vừa được WHO công bố tại Thụy Sĩ cho thấy, năm 2010 trên toàn thế giới có 1,24 triệu người chết vì tai nạn giao thông, gần như cùng con số của năm 2007. Trong khi 88 nước thành viên giảm số người chết vì tai nạn giao thông, thì con số này lại tăng ở 87 quốc gia còn lại. 59 quốc gia, chiếm 39% dân số thế giới, đã thực hiện giới hạn tốc độ trong đô thị ở 50km/h hoặc thấp hơn và cho phép các nhà chức trách địa phương có thể giảm thêm giới hạn tốc độ.
89 quốc gia, chiếm 66% dân số thế giới, đã có luật toàn diện về phòng chống uống rượu, bia-lái xe, với giới hạn nồng độ cồn trong máu (BAC) là 0,05g/dl hoặc thấp hơn.
90 quốc gia, chiếm 77% dân số thế giới, đã có luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy đối với tất cả người ngồi trên xe, trên mọi loại đường bộ với tất cả các loại động cơ và đội mũ bảo hiểm xe gắn máy đủ tiêu chuẩn.
111 quốc gia, chiếm 69% dân số thế giới, đã có luật toàn diện về thắt dây an toàn cho tất cả người trên xe.
96 quốc gia, chiếm 32% dân số thế giới, đã có luật yêu cầu lắp đặt ghế an toàn cho trẻ em.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng phần lớn các quốc gia, thậm chí một số quốc gia tiêu biểu nhất về an toàn đường bộ, chỉ ra rằng việc thực thi các luật này là chưa đủ. Và chìa khóa nhằm giảm tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông đường bộ là bảo đảm có nhiều quốc gia thành viên ban hành và thực thi pháp luật tập trung cho năm yếu tố nguy cơ chính trên đây.
Theo Nhân Dân