Washington cân nhắc cho phép các nhà thầu quân sự Mỹ triển khai tại Ukraine
(BDO) Động thái này sẽ đánh dấu một sự thay đổi đáng kể khác trong chính sách Ukraine của chính quyền Tổng thống Biden, khi Mỹ đang tìm cách giúp quân đội Ukraine giành lại ưu thế trước Nga.
Hệ thống bệ phóng tên lửa đất đối không (SAM) MIM-104 Patriot của Quân đội Mỹ tại Sân bay Rzeszow-Jasionka ở Ba Lan. Ảnh: CNN
Bốn quan chức Mỹ nói với CNN rằng, chính quyền Tổng thống Biden đang tiến tới dỡ bỏ lệnh cấm các nhà thầu quân sự Mỹ triển khai tới Ukraine, nhằm giúp quân đội nước này bảo trì và sửa chữa các hệ thống vũ khí do Mỹ cung cấp.
Động thái này sẽ đánh dấu một sự thay đổi đáng kể khác trong chính sách Ukraine của chính quyền Biden, khi Mỹ đang tìm cách giúp quân đội Ukraine giành lại ưu thế trước Nga.
Các quan chức cho biết quyết định về vấn đề trên vẫn đang được các quan chức chính quyền xem xét và chưa nhận được sự thông qua cuối cùng từ Tổng thống Joe Biden.
Một quan chức chính quyền nói: “Chúng tôi chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào và bất kỳ cuộc thảo luận nào về vấn đề này đều còn quá sớm. Tổng thống hoàn toàn chắc chắn rằng ông ấy sẽ không gửi binh sĩ Mỹ đến Ukraine”.
Các quan chức cho biết, sau khi được phê duyệt, thay đổi trên có thể sẽ được ban hành trong năm nay và sẽ cho phép Lầu Năm Góc cung cấp hợp đồng cho các nhà thầu Mỹ làm việc trong lãnh thổ Ukraine lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột với Nga bắt đầu vào năm 2022. Các quan chức cho biết họ hy vọng điều này sẽ đẩy nhanh quá trình bảo trì và sửa chữa các hệ thống vũ khí đang được quân đội Ukraine sử dụng.
Trong hai năm qua, Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh rằng tất cả người Mỹ, đặc biệt là quân đội Mỹ, hãy tránh xa chiến tuyến Ukraine. Nhà Trắng đã quyết tâm hạn chế cả mối nguy hiểm đối với người Mỹ cũng như nhận thức rằng binh sĩ Mỹ đang tham gia chiến đấu ở Ukraine. Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát đi cảnh báo công dân nước này không nên đến Ukraine kể từ năm 2022.
Kết quả là, các thiết bị quân sự do Mỹ cung cấp bị hư hỏng đáng kể trong chiến đấu phải được vận chuyển ra khỏi Ukraine, đến Ba Lan, Romania hoặc các nước NATO khác để sửa chữa - một quá trình mất nhiều thời gian. Quân đội Mỹ cũng sẵn sàng giúp đỡ Ukraine trong việc bảo trì và hậu cần thường xuyên hơn, nhưng chỉ từ xa thông qua trò chuyện video hoặc điện thoại bảo mật - một sự sắp xếp có những hạn chế cố hữu, vì quân đội và nhà thầu Mỹ không thể làm việc trực tiếp trên các hệ thống.
Các quan chức chính quyền Mỹ đã bắt đầu xem xét lại một cách nghiêm túc những hạn chế đó trong vài tháng qua, khi Nga tiếp tục đạt được những thắng lợi trên chiến trường trong khi nguồn tài trợ của Mỹ cho Ukraine bị đình trệ tại Quốc hội. Các quan chức cho biết, việc cho phép các nhà thầu Mỹ có kinh nghiệm, được chính phủ Mỹ tài trợ, duy trì sự hiện diện ở Ukraine có nghĩa là họ sẽ có thể giúp sửa chữa các thiết bị hư hỏng, có giá trị, cao nhanh hơn nhiều. Một hệ thống tiên tiến mà các quan chức cho rằng có thể sẽ cần được bảo trì thường xuyên là máy bay chiến đấu F-16 mà Ukraine dự kiến nhận vào cuối năm nay.
Theo một quan chức, các công ty đấu thầu hợp đồng sẽ được yêu cầu phát triển các kế hoạch giảm thiểu rủi ro mạnh mẽ để bảo vệ an toàn cho các nhân viên của họ.
Các cuộc thảo luận diễn ra sau một loạt quyết định mà Mỹ đưa ra trong những tháng gần đây nhằm cố gắng giúp Ukraine giành lại ưu thế chiến trường. Vào cuối tháng 5, Tổng thống Biden đã cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, cụ thể là khu vực gần biên giới với thành phố Kharkov - bằng vũ khí của Mỹ - một yêu cầu mà Washington trước đây đã nhiều lần từ chối. Tuần trước, chính sách đó dường như được mở rộng một lần nữa, khi Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Ukraine có thể phản công bất cứ nơi nào dọc biên giới Ukraine-Nga bằng vũ khí của Mỹ.
Các quan chức hiện tại và cựu quan chức quen thuộc với các cuộc thảo luận về việc triển khai các nhà thầu tới Ukraine nhấn mạnh rằng sự thay đổi chính sách sẽ không dẫn đến sự hiện diện áp đảo của các nhà thầu Mỹ ở đó.
Theo Báo Tin tức