Vượt thách thức, đón thời cơ

Thứ sáu, ngày 31/12/2021

(BDO)  Cánh cửa năm 2021 khép lại nhiều chông gai và đầy biến động. Bình Dương vừa chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch, vừa có hướng đi riêng để nỗ lực vượt khó hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội. Trong bức tranh toàn cảnh ấy vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan, tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn nổi lên những dấu ấn tích cực. Đây cũng là nền tảng quan trọng để Bình Dương tự tin bước vào năm mới 2022 với nhiều kỳ vọng.

 Thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển KT-XH của Chính phủ, với sự cố gắng, nỗ lực chung của toàn Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng DN trên địa bàn, năm 2021 Bình Dương đã vượt khó hoàn thành mục tiêu phát triển. Trong ảnh: Trong dịch bệnh, hoạt động sản xuất vẫn được duy trì tại Công ty Bonfiglioli Việt Nam, KCN Mỹ Phước 3. Ảnh: XUÂN THI

 Dấu ấn trong gian khó

Năm 2021, Bình Dương thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH với những mục tiêu đề ra rất cao. Tuy nhiên, làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện với những diễn biến vô cùng phức tạp, xâm nhập vào các khu, cụm công nghiệp… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Mặc dù vậy, bằng nội lực của chính mình, Bình Dương đã từng bước vượt qua khó khăn để đạt được “mục tiêu kép”, vừa chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm được mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Năm 2021, các chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu, tín dụng duy trì tăng trưởng so với năm 2020. Thu ngân sách đạt dự toán, thu hút vốn đăng ký kinh doanh và đầu tư nước ngoài vượt kế hoạch và tăng cao so với cùng kỳ. Cộng đồng DN, doanh nhân đã nêu cao tinh thần vượt khó, nỗ lực thích ứng với tình hình mới để duy trì sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Nhiều DN tích cực ủng hộ kinh phí, phương tiện, trang thiết bị, mặt bằng nhà xưởng… tham gia chống dịch.

Kết quả các chỉ số về năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh có bước cải thiện lớn về điểm số và thứ hạng. Vùng thông minh Bình Dương được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh vào tốp 7 các cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới…

Đánh giá tổng quát về những kết quả đạt được, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là đầu quý III dịch bệnh bùng phát với tốc độ lây lan nhanh đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt. Song với sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm của tỉnh, sự nỗ lực, cố gắng, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Bình Dương vẫn đạt được kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong năm 2021 đã thể hiện tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành thực hiện “mục tiêu kép”, của Bình Dương. Qua đó, tạo sức mạnh tổng hợp, khơi thông thêm nhiều nguồn lực, từng bước giúp kinh tế của tỉnh phục hồi và nhiều khởi sắc. Đây là nền tảng quan trọng tạo đà tăng tốc trong năm 2022 và những năm tiếp theo, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng KT-XH cao nhất, với tinh thần càng khó khăn càng phải quyết tâm hơn, ý chí hơn.

 Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: 2022 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Tỉnh đảng bộ lần thứ XI và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, dự báo tình hình thế giới và khu vực, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, những cơ hội và thuận lợi đan xen với những khó khăn, thách thức. Bình Dương xác định rõ: Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác mà phải tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để phòng, chống dịch, duy trì trạng thái “bình thường mới” bảo đảm an toàn, hiệu quả; phục hồi tăng trưởng kinh tế và tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ; chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng trên nền tảng chuyển đổi số, kinh tế số; tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng KT-XH, phát triển đô thị - dịch vụ làm tiền đề để xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.

Tạo đà cho tăng trưởng

Trải qua thời gian khó khăn do dịch bệnh Covid-19, đến quý IV-2021, nhờ kiểm soát được dịch bệnh, Bình Dương chuyển sang giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, kinh tế của tỉnh đã dần phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng. Những thành quả đạt được trong phát triển KT-XH của Bình Dương năm 2021 không chỉ đến từ một hay vài nguyên nhân chủ chốt, mà là sự hợp lực của nhiều yếu tố, cả chủ quan và khách quan. Song, nguyên nhân có tính chất cốt lõi, là mạch nguồn và sâu sắc nhất chính là sự nỗ lực, cố gắng, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng DN.

Năm 2022, tỉnh phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH, trong đó phấn đấu tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8 - 8,3%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,9%; GRDP bình quân đầu người khoảng 169,8 triệu đồng/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng 14,5%; kim ngạch nhập khẩu tăng 17%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 60.000 tỷ đồng; tổng chi ngân sách địa phương đạt 20.682 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 16%; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 1,8 tỷ đô la Mỹ; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 10%; tạo việc làm cho 35.000 lao động…

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp càng đòi hỏi sự tận tâm, tận lực, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương và từng DN ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2022. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022, ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, UBND tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tỉnh tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân; vừa phục hồi và phát triển KT-XH trong trạng thái “bình thường mới”.

Các cấp, các ngành cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình, dự án trọng điểm, tạo đà phát triển cho cả giai đoạn; tiếp tục kiên trì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành cùng DN… Với khát vọng, sự đoàn kết và đồng thuận, Bình Dương chắc chắn sẽ vượt qua khó khăn, tạo sức mạnh tổng hợp, từng bước đưa kinh tế của tỉnh ngày càng khởi sắc hơn. Qua đó, tạo tiền đề để tỉnh tự tin vững bước năm 2022 và những năm tiếp theo.

 Năm 2021, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 2,79%; GRDP bình quân đầu người đạt 153,6 triệu đồng; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 4,5% so với năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 231.578 tỷ đồng, tăng 3,4%; ước chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 2,64%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 13,5%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 24,69 tỷ đô la Mỹ, tăng 14,7%; thặng dư thương mại đạt 6,8 tỷ đô la Mỹ. Thu hút đầu tư trong nước 72.456 tỷ đồng, tăng 8,3%; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài gần 2,1 tỷ đô la Mỹ, vượt 14,9% kế hoạch năm; tổng thu ngân sách ước đạt 61.200 tỷ đồng, bằng 96% so với năm 2020, đạt 104% dự toán HĐND tỉnh; tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 32.201 tỷ đồng, đạt 124% dự toán…

 NGỌC THANH