Vượt qua thách thức, chủ động hội nhập
Ngày 14-8, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO.
Ngày càng hội nhập khu vực và toàn cầu
Ngay sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa X, tháng 2-2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 08. Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 08, Chính phủ đã có Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ban hành chương trình hành động cụ thể hóa 10 nhóm nhiệm vụ lớn của Nghị quyết 08 thành 12 nhóm nhiệm vụ và 75 nhiệm vụ chủ yếu với 131 hành động cụ thể được giao cho các bộ ngành và các địa phương triển khai thực hiện.
Ảnh minh họa. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá thời gian qua, thực hiện chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã chuyển trọng tâm từ phá bỏ thế cô lập về kinh tế để hội nhập vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu sang việc đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trên phương diện đa phương, các cam kết trong WTO gần như đã được thực hiện đầy đủ và đã có thể có đánh giá tương đối toàn diện, chi tiết tác động của các cam kết gia nhập. Trên bình diện khu vực, Việt Nam cũng hội nhập ngày càng sâu với ASEAN, hướng tới hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015. Việt Nam cũng đang tích cực tham gia đàm phán hoặc chuẩn bị đàm phán một số hiệp định thương mại tự do quan trọng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do song phương với EU, triển khai khuôn khổ ASEAN về đối tác kinh tế toàn diện khu vực…
Theo đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, mặc dù còn nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế tài chính quốc tế đem lại nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta trong 5 năm qua vẫn đạt bình quân khoảng 7%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng lên hơn 3 lần; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tăng lên, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng… Nhờ vậy, GDP sau 5 năm tăng gấp 2,3 lần và GDP bình quân đầu người tăng hơn 2 lần. Việt Nam đã ra khỏi tình trạng nước kém phát triển và vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Vị thế nước ta trên trường quốc tế cũng ngày được nâng cao.
Đánh giá về những mặt hạn chế của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Văn phòng Trung ương Đảng cũng cho rằng, nền kinh tế cũng gặp nhiều thách thức trong quá trình hội nhập như: năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế còn thấp; đầu tư nhà nước trong đó có doanh nghiệp nhà nước còn kém hiệu quả và còn có những thất thoát lớn; chưa phát huy và tận dụng được lợi thế cạnh tranh quốc gia; sức lan tỏa và chuyển giao công nghệ của khu vực FDI còn nhiều hạn chế…
Nâng cao hiệu quả, hội nhập kinh tế quốc tế
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội nghị này, chủ trì phối hợp với Bộ KH-ĐT, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan xây dựng báo cáo tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết 08 và kết quả 5 năm đầu gia nhập WTO để sớm báo cáo xin chủ trương chỉ đạo tiếp theo của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, Bộ KH-ĐT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp thu các ý kiến góp ý tại hội nghị này để hoàn thiện Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2011 - 2020 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện, trong đó có tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Chính phủ.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công thương, Bộ KH-ĐT và các bộ, ngành, địa phương tổng hợp kết quả thực hiện Nghị quyết 08 và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08 để dự thảo nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.
Trước đó, hội nghị đã nghe báo cáo của Bộ Công thương về việc thực hiện Nghị quyết số 08 và Nghị quyết 16; báo cáo của Bộ Ngoại giao về việc triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra; nghe Bộ KH-ĐT trình bày dự thảo báo cáo đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO; dự thảo nghị quyết của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2012 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; nghe các tham luận của một số đại diện cơ quan trung ương, bộ ngành, địa phương, viện nghiên cứu, hiệp hội ngành hàng…
Theo SGGP