Vượt qua “bão giá”, nhà thầu nỗ lực hoàn thành tiến độ công trình

Thứ tư, ngày 23/03/2022

(BDO) Trước cơn “bão giá” vật liệu xây dựng tăng chóng mặt, nhất là giá thép, nhiều nhà thầu phải “gồng mình”, nỗ lực hoàn thành tiến độ công trình, giữ uy tín trước khách hàng.

 Trên công trường thi công công trình cầu Bạch Đằng 2

 Khó khăn chồng chất

Từ năm 2021 đến nay, khó khăn dồn dập đã khiến nhà thầu, chủ đầu tư “đứng ngồi không yên” vì các công trình đội vốn. Đó là những ngày giãn cách xã hội kéo dài trên diện rộng, cần cẩu, máy móc nằm bất động nhiều tháng trời, cơn “bão giá” vật liệu xây dựng tăng chóng mặt, nhất là giá thép, tình trạng thiếu hụt nhân công tại công trường xây dựng… Đặc biệt, giá xăng dầu tăng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận chuyển, nguyên vật liệu càng bị đẩy mức giá cao hơn.

Ông Lê Như Thạch, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Xây dựng Bình Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bcons, cho biết: “Giá xăng dầu tăng đã dẫn tới vật tư tăng, sắt thép tăng, các trang thiết bị tăng đã ảnh hưởng lên giá thành của công trình. Những hợp đồng xây dựng đã ký giải quyết như thế nào? Khi giá thành bị ảnh hưởng, dòng tiền cũng bị ảnh hưởng, vậy tiến độ thực hiện sẽ phải giải quyết ra sao? Đơn vị thi công có sự chia sẻ của chủ đầu tư hay không?”.

Theo ông Lê Như Thạch, đó là vấn đề khó để có thể được giải quyết. Các hợp đồng đã được ký kết trước đó, nên các nhà thầu phải chấp nhận giá biến đổi trừ khi trong hợp đồng ghi rõ nếu giá vật tư tăng bao nhiêu thì đàm phán hợp đồng lại. Chính vì vậy giá thành tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thi công cũng như tiến độ công trình. “Với vai trò của chủ đầu tư các dự án nhà ở, khi đã bán thì không thể tăng chi phí cho các nhà thầu. Đây cũng là câu hỏi lớn mà các chủ đầu tư đặt ra. Đối với dự án chưa bán, tổng quỹ đầu tư sẽ khác đi, chủ đầu tư cần phải ngồi tính toán lại giá bán từng sản phẩm cho phù hợp. Nếu giá tăng sẽ gây khó khăn cho người mua, người tiêu dùng. Hay đối với các công trình nhà nước, các công trình hạ tầng chi phí sẽ bị đội lên”, ông Thạch phân tích.

Theo tính toán của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, thép xây dựng chiếm khoảng 18 - 20% giá thành xây dựng chung cư cao tầng. Còn với công trình xây dựng cầu đường, chi phí thép xây dựng lớn hơn. Ngoài thép, nhiều nguyên vật liệu khác cũng đang tăng giá như nhôm, dây điện, cát… Ông Nguyễn Anh Hưng, Giám đốc Công ty Xây dựng 249, đơn vị thi công công trình cầu Bạch Đằng 2, cho biết: “Nếu giá nguyên vật liệu xây dựng không “hạ nhiệt” trong thời gian tới, doanh nghiệp trong ngành xây dựng sẽ gặp phải khó khăn muôn trùng, thậm chí phải bù lỗ công trình”.

Chia sẻ rõ hơn về những khó khăn này, ông Hưng cho biết mặc dù từ năm 2019, Chính phủ có văn bản bù giá hỗ trợ cho các đơn vị thi công, tuy nhiên đối với các công trình Nhà nước gặp phải hạn chế. Cụ thể, các thông báo giá của các sở, ban, ngành thường đi sau công tác đấu thầu. Trong hợp đồng không được điều chỉnh giá, nên dù giá vật liệu xây dựng bị biến động, tăng nhanh, đơn vị thi công vẫn phải thực hiện theo đúng hợp đồng. Hiện các nguồn nguyên vật liệu xây dựng biến động tăng hơn 20%, đồng nghĩa doanh nghiệp bị lỗ theo 20% trong tổng lợi nhuận công trình.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Đông, chia sẻ trong bối cảnh hiện nay, cả các công ty xây dựng lẫn chủ đầu tư đều chịu thiệt hại nặng nề. Nếu năm ngoái chỉ có sắt thép tăng giá, thì nay tình trạng này diễn ra với tất cả hàng hóa, nguyên vật liệu. Nếu giá vật liệu xây dựng tăng, buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán theo hướng tăng. Điều này sẽ khiến khách hàng dè dặt khi xuống tiền.

“Gồng mình” vượt khó

Để bảo đảm công trình được thực hiện theo đúng tiến độ như ký kết với chủ đầu tư, các nhà thầu phải nỗ lực không ngừng. Ông Nguyễn Anh Hưng, Giám đốc Công ty Xây dựng 249, cho biết: “Cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai là công trình trọng điểm của tỉnh. Mặc dù giá vật liệu tăng cao, nhưng đơn vị thi công bằng nhiều biện pháp huy động nguồn vật liệu xây dựng, quyết tâm bảo đảm tiến độ cũng như chất lượng công trình; đồng thời đây cũng chính là nguyên tắc hoạt động của công ty, đó là chữ tín in dấu qua từng công trình”.

Ông Lê Như Thạch cho biết: “Trước tình hình giá vật tư tăng đặt ra rất nhiều yếu tố, trong đó có chữ tín của doanh nghiệp. Đơn cử, đối với khách hàng doanh nghiệp đã hứa bàn giao, nhưng công trình đang thi công thì gặp phải giá vật liệu tăng khiến chi phí cho dự án tăng lên. Đồng nghĩa doanh nghiệp chấp nhận giảm không còn lợi nhuận, hoặc chấp nhận lỗ để bảo đảm uy tín. Đối với một số chủ đầu tư có dòng tiền yếu hoặc phải vay ngân hàng nhiều, có nguy cơ phải dừng tiến độ”.

Chia sẻ về vấn đề bảo đảm chất lượng công trình khi giá vật tư tăng cao, ông Thạch cho biết thêm nhà thầu thi công phải tuân thủ 2 yếu tố đó là tiêu chuẩn quy chuẩn của Nhà nước và hợp đồng ký với khách hàng. Khi đã tuân thủ 2 yếu tố này thì công trình luôn bảo đảm được chất lượng. Còn khi thi công không bảo đảm chất lượng, không tuân thủ 2 yếu tố này có nghĩa là đơn vị vi phạm pháp luật, không giữ chữ tín. Nên đơn vị muốn giữ chữ tín thì bắt buộc phải thực hiện.

 Ông Lê Như Thạch, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Xây dựng Bình Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BCons: “Các thành viên hiệp hội nên xin gia hạn, giãn tiến độ thi công. Nếu là công trình Nhà nước, nên kiến nghị để xem xét ở góc độ thuộc một trong các yếu tố bất khả kháng, cho hợp đồng được trượt giá theo thị trường. Bên cạnh đó, các thành viên cần cố gắng tối ưu chi phí, tối ưu quản lý, tối ưu hao phí vật tư, những chi phí không đáng có để giá thành hạ”.

 PHƯƠNG LÊ - HÀ KHÁNH