Vượt khó, khôi phục thị trường xuất khẩu

Thứ tư, ngày 08/09/2021

(BDO) Trong tháng 8-2021, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu (XNK). Tuy nhiên, với đà tăng mạnh những tháng trước đó giúp kim ngạch XNK duy trì ở mức cao sau 8 tháng, đó cũng là tiền đề phát triển chuỗi cung ứng trong giai đoạn kế tiếp.

 Sản xuất tại Công ty Gỗ Phú Đỉnh (huyện Dầu Tiếng)

 Tín hiệu sáng

Kim ngạch xuất khẩu tháng 8-2021 ước đạt gần 2,6 tỷ đô la Mỹ, giảm 12,3% so với tháng trước và tăng 1,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ tốc độ tăng trưởng cao trong những tháng trước đó nên tính chung 8 tháng năm 2021, tổng kim ngạch XNK vẫn đạt ở mức cao so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng đầu năm ước đạt gần 23 tỷ đô la Mỹ, tăng 37,3% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh tăng mạnh như gỗ (+44,2%), máy móc, thiết bị (+54,3%), dệt may (+22,1%), giày dép (+22,3%).

Theo đánh giá của ngành công thương, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa bàn. Những ách tắc trong sản xuất, lưu thông hàng hóa đã và đang được UBND tỉnh, các ngành tập trung tháo gỡ quyết liệt. Mặc dù vẫn còn đó nhiều khó khăn, nhưng theo các doanh nghiệp (DN), hiện có những tín hiệu sáng ở các thị trường lớn khi nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn đang trong xu hướng phục hồi trở lại. Tăng trưởng sản xuất và XNK trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tiến trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 trên diện rộng.

Ở chiều ngược lại, tại Bình Dương, kim ngạch nhập khẩu tháng 8-2021 ước đạt 2,33 tỷ đô la Mỹ, giảm 16,3% so với tháng trước và tăng 28,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đầu năm ước đạt 18,3 tỷ đô la Mỹ, tăng 43,2% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh như máy móc, thiết bị (+43,7%), sắt thép (+39,1%), giấy (+40,6%). Với lượng hàng hóa, máy móc, nguyên phụ liệu được chủ động nhập vào tăng cao đang được đánh giá là điều kiện thuận lợi để tổ chức lại sản xuất khi dịch bệnh cơ bản được khống chế.

Đồng thời với đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Theo chu kỳ, nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm dần vào cuối năm, trong khi xuất khẩu tăng trong những tháng cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao phục vụ cho mùa tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, đồ gỗ, hàng dệt may, da giày và thủy sản… Vì vậy cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện dần trong thời gian tới.

Sẵn sàng tâm thế trở lại

Từ nay đến cuối năm để ngăn chặn đà suy giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của đại dịch, Bộ Công thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực, hướng dẫn DN chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Cùng với việc tăng cường quản lý XNK một số mặt hàng chiến lược, Bộ Công thương cũng đã làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới.

Ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết hiện nay sở đang tổ chức nắm tình hình DN trong việc tồn đọng hàng hóa, tìm kiếm thị trường để tham mưu giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình xúc tiến thương mại sau khi kiểm soát được dịch bệnh.

Là một ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh mới đây, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) đã thực hiện báo cáo mang tên: “Tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành gỗ: Thực trạng 8 tháng đầu năm và kịch bản cho các tháng cuối năm 2021”. Dựa trên các con số báo cáo và phân tích thị trường, nhóm nghiên cứu đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng xuất khẩu gỗ những tháng cuối năm 2021.

Kịch bản thứ nhất: Kim ngạch xuất khẩu quý III tiếp tục đà giảm như hiện nay nhưng kim ngạch xuất khẩu quý IV bắt đầu hồi phục nhưng mức hồi phục không thể tương đương với kim ngạch so với quý I và quý II (trước thời điểm áp dụng giãn cách), chỉ đạt khoảng 70% so với kim ngạch trung bình của 2 quý này. Nếu các giả định này là đúng, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ năm 2021 đạt khoảng 13,55 tỷ đô la Mỹ. Kịch bản thứ hai: Kim ngạch xuất khẩu trong các tháng cuối năm 2021 tiếp tục đà giảm như hiện nay do dịch bệnh không được kiểm soát hiệu quả, đà suy giảm sẽ tiếp tục kéo dài hết quý IV với kim ngạch quý IV chỉ tương đương 70% kim ngạch quý III. Nếu giả định này xảy ra, kim ngạch xuất khẩu của cả ngành năm 2021 sẽ đạt khoảng 12,69 tỷ đô la Mỹ.

 Theo ông Nguyễn Phúc, Phó Chủ tịch BIFA, điều quan trọng hiện nay đối với các DN là áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro chặt chẽ nhằm duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ chân khách hàng, tạo việc làm cho người lao động, tránh đứt gãy hoàn toàn các đơn hàng, gây rủi ro về thị trường đầu ra sản phẩm trong tương lai. Bên cạnh đó, các DN cần chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng sản xuất, kinh doanh trở lại với cường độ và hiệu quả cao khi dịch bệnh được kiểm soát.

 TIỂU MY