“Vượt khó” dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Thứ hai, ngày 09/12/2024

(BDO)  Năm học 2024-2025 là năm thứ 5 ngành giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Bên cạnh những tín hiệu tích cực, việc dạy học theo chương trình mới vẫn còn nhiều khó khăn.

 Bình Dương đang nỗ lực trong việc đáp ứng các tiêu chí như giáo viên, cơ sở vật chất cho việc dạy - học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018

 Năm học 2024-2025, trường THPT Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) có 1.940 học sinh/45 lớp. Thầy Phạm Tấn Bình, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết được sự quan tâm của huyện, trường đã được đầu tư cơ sở vật chất khang trang và đạt chuẩn. Hiện tại trường có 45 phòng học, 16 phòng bộ môn và có khu bán trú dành cho học sinh ở xa. “Có thể nói cơ sở vật chất của nhà trường cơ bản đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất mà trường gặp phải chính là thiếu đội ngũ giáo viên. Hiện tại, trường còn thiếu 37 giáo viên các môn. “Chính vì không đủ giáo viên nên nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo quy định của chương trình mới”, thầy Bình cho biết thêm.

Nếu giáo viên là yếu tố quan trọng đầu tiên, yếu tố quan trọng thứ hai để chương trình GDPT mới đem lại hiệu quả là cơ sở vật chất phải bảo đảm. Tuy nhiên, mặc dù đến nay đã áp dụng đến năm học thứ 5 nhưng ngành giáo dục vẫn còn gặp khó trong vấn đề này.

Song song đó, tình trạng lớp học quá tải sĩ số, thiếu thiết bị dạy học, dạy học tích hợp hay việc lựa chọn sách giáo khoa cũng gây không ít khó khăn cho các trường khi triển khai đổi mới phương pháp dạy học theo yêu cầu.

Mặt khác, chương trình GDPT mới đối với bậc THPT còn có những môn học tự chọn về nghệ thuật nhằm phát huy năng lực, sở trường của từng học sinh. Nhưng do thiếu giáo viên các môn học tự chọn nên hầu hết các trường không thể triển khai dạy học bộ môn này.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trong các khó khăn đó, có những vấn đề thuộc về cơ chế chính sách, sở không thể tự ý giải quyết, dẫn đến khó khăn kéo dài. Sở cũng đã có những đề xuất, kiến nghị lên UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT để chủ động từng bước tháo gỡ khó khăn nhằm thực hiện Chương trình GDPT 2018 hiệu quả.

Cụ thể như theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 phải dạy 2 buổi/ngày, Sở GD&ĐT đã tham mưu tỉnh có nhiều giải pháp quy hoạch mạng lưới trường lớp chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình GDPT. Về dự báo nhu cầu cần thiết để đáp ứng cho học sinh các cấp học đủ trường lớp thì theo đề án của ngành GD&ĐT cũng đã xác định, hiện đề án đang hoàn chỉnh, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy thông qua.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và sát với tình hình thực tế của nhà trường. Nhiều đơn vị trường học thông qua các nguồn vốn khác nhau đã đầu tư, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tu sửa, trang trí phòng học, mua sắm thêm bàn ghế... nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018.

 Từ năm 2020 đến nay, Bình Dương thực hiện xây dựng trường lớp theo Công văn số 5449/UBND-KT ngày 5-11-2020 của UBND tỉnh về thứ tự đầu tư các công trình trường học giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo gồm 174 công trình, trong đó có xây mới, xây mới thay thế, cải tạo, nâng cấp, mở rộng. Hiện nay, trong danh mục này đã thực hiện được 66 công trình. Theo quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt theo Quyết định số 790/QĐ-TTg ngày 3-8-2024 thì quỹ đất dành cho giáo dục đến năm 2050 khoảng 1.500 ha.

 HỒNG PHƯƠNG - KHẮC THỊNH