Vươn lên từ trồng rau an toàn
(BDO) Với 6.000m2 đất, ông Nguyễn Văn Hí, ở khu phố Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, TX.Thuận An đã trồng các loại rau mang lại hiệu quả kinh tế khá. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm vườn rau mang lại cho gia đình ông trên 200 triệu đồng.
Ông Hí chăm sóc vườn rau của gia đình. Ảnh: VĂN TIẾN
Cần kiến thức mới dễ thành công
Ông Hí làm nghề nông đã gần 30 năm, kế nghiệp làm nông từ người cha. Vì có thâm niên trồng rau nên ông có nhiều kinh nghiệm và thuận lợi trong quá trình sản xuất, từ chọn hạt, cây giống đến thời điểm gieo trồng… nhờ đó cây rau phát triển tốt và cho năng suất cao.
Trước đây, ông trồng nhiều loại rau và quả như mướp, khổ qua, bí đao, bầu… Tuy nhiên, rau xanh vẫn được nhiều người chọn mua nên sau đó ông chuyển hẳn sang trồng các loại rau như mồng tơi, rau muống, rau dền, cải lá các loại… Ông cho biết, công việc trồng rau khá đơn giản, như làm đất thành luống, trộn phân kết hợp với vôi để diệt côn trùng gây bệnh…
Hiện ông sử dụng hệ thống lưới khép kín vườn rau nhằm tránh sâu bướm gây hại. Cứ hai năm ông thay hệ thống lưới một lần, vì nếu để lâu do ảnh hưởng thời tiết mưa nắng, lưới bị mục, nát, hư hỏng. Còn nước tưới cho rau, ông sử dụng nước giếng khoan bảo đảm an toàn thông qua hệ thống tưới tự động. Nếu thời tiết nắng nóng, ông tưới nước 2 - 3 lần/ngày, còn những ngày mưa chỉ cần tưới 1 - 2 lần (sáng và chiều).
Mặc dù có thâm niên trong nghề trồng rau, nhưng ông vẫn chịu khó học hỏi từ những người khác, tham gia các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, tham quan mô hình trồng rau an toàn trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, ông có thêm kiến thức bổ ích để áp dụng vào sản xuất rau cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Chia sẻ cùng phát triển
Ông Hí chia sẻ, trên cây rau chủ yếu là bệnh rầy và thối lá (nhất là rau mồng tơi). Do đó, người trồng cần biết cách ngăn ngừa và sử dụng thuốc ngăn ngừa kịp thời. Việc dùng thuốc trừ sâu, người trồng cần tuân thủ theo quy trình khoa học. Đặc biệt, sau khi phun thuốc 1 tuần trở lên người trồng mới tiến hành thu hoạch, tránh tồn dư thuốc trừ sâu ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Hiện nay, rau của ông Hí được tiểu thương thu mua ngay tại vườn, ông không phải vận chuyển đến các chợ đầu mối như trước đây. Bình quân mỗi ngày ông bán ra thị trường khoảng 400 kg rau. Với giá bán như hiện nay, ông có doanh thu trên 2 triệu đồng/ngày từ rau. Theo tính toán của ông, sau khi trừ chi phí mỗi năm vườn rau đem lại thu nhập cho gia đình trên 200 triệu đồng.
Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Hí còn nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ bà con nông dân trên địa bàn cùng trồng rau an toàn. Hiện ông là Tổ trưởng Tổ hợp tác rau an toàn phường Thuận Giao. Tổ hợp tác có 4 thành viên với tổng diện tích canh tác trên 12.000m2. Ông cùng với các tổ viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất rau. Các tổ viên cũng thống nhất về giá cả khi bán rau ra thị trường, chia sẻ về khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả cao, giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh gây ra.
VĂN TIẾN