Vườn cây ăn trái Lái Thiêu: Giá trị đang dần khôi phục

Thứ ba, ngày 08/07/2014

Dù đã trải qua những năm tháng thăng trầm tưởng chừng như phải mai một, nhưng dưới sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các ngành, các cấp và chính quyền địa phương, Vườn cây ăn trái (VCAT) Lái Thiêu - một thương hiệu đặc sản, du lịch nổi tiếng gần, xa một thời của TX.Thuận An nói riêng và Bình Dương nói chung đang dần khôi phục lại thương hiệu cũng như tiềm năng du lịch của mình…

Trái chín trĩu cây, du khách trở lại

Cây trái Lái Thiêu đang vào mùa chín rộ. Đi dọc theo các tuyến đường từ phường An Thạnh đến trung tâm TX.Thuận An, hàng trăm gian hàng bày bán trái cây các loại, mời gọi du khách đến thưởng thức hương vị ngọt ngào của các loại trái cây đặc sản nổi tiếng của vùng đất này. Bà Bùi Ngọc Vi, Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết, do thời tiết thuận lợi, năm nay nhà vườn trúng mùa, hầu hết các loại cây đều sai trái, đặc biệt là dâu và măng cụt cho sản lượng gấp nhiều lần so với mọi năm…  

Thương hiệu trái cây Lái Thiêu đang dần lấy lại uy tín 

Trong một thời gian dài, do điều kiện thời tiết không thuận lợi kết hợp với việc bị ô nhiễm môi trường đã làm cho cây trái Lái Thiêu bị ảnh hưởng nặng nề, sụt giảm về sản lượng, chất lượng khiến nhiều hộ kinh doanh phải nhập trái cây từ những nơi khác (các tỉnh miền Tây Nam bộ, Tây nguyên) về bán, đây cũng là một trong những nguyên nhân gián tiếp khiến thương hiệu trái cây Lái Thiêu dần bị mai một. Vì vậy, việc vụ mùa bội thu không chỉ giúp cho các nhà vườn tăng thu nhập mà còn góp phần lớn trong việc vực dậy thương hiệu trái cây Lái Thiêu.

Thạc sĩ Phan Anh Tú, giảng viên khoa Văn hóa học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, trong buổi tọa đàm với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra vào tháng 4-2014 cho biết, trong điều kiện kinh tế thị trường, xuất hiện tâm lý ngại cực khổ muốn làm giàu nhanh chóng đã chi phối ít nhiều đến hoạt động du lịch VCAT Lái Thiêu. Nạn “chặt, chém” của một số hộ nhà vườn là một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu VCAT Lái Thiêu trong mắt du khách. Vì vậy, để xây dựng lại thương hiệu, trước hết phải bắt đầu từ việc thay đổi trong văn hóa ứng xử, văn hóa mua bán giữa chủ nhà vườn, các điểm kinh doanh với du khách...

Có thể nói, hầu hết du khách từ khắp nơi đến đây đều muốn một lần được thưởng thức các loại trái cây chính gốc, với hương vị đặc trưng, trong một không gian du lịch sinh thái rất riêng của vùng sông rạch Lái Thiêu. Anh Lê Quang Hiếu (ngụ Q.12, TP.HCM), du khách tham quan cho biết, nhiều năm về trước anh đã từng đến Lái Thiêu, khi ấy các điểm du lịch ở đây còn ít, chủ yếu là điểm tham quan trực tiếp nhà vườn, nay đã có rất nhiều nhà hàng, khu du lịch được mở ra để phục vụ du khách. Nhưng ấn tượng nhất với anh vẫn là hương vị rất riêng của các loại trái cây đặc sản của Lái Thiêu. Anh hy vọng lần trở lại này vẫn sẽ được thưởng thức hương vị chính gốc của những đặc sản nơi đây…

“Gần đây, lượng khách du lịch đến với Lái Thiêu đang tăng dần. Là người kinh doanh trái cây, chúng tôi rất vui vì điều này, vì khách đông là hàng bán chạy. Nhưng không vì vậy mà hét giá trên trời. Dưới sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, bằng việc đặt uy tín và chất lượng lên hàng đầu, chúng tôi đã dần biết cách làm thế nào để thu hút khách du lịch một cách bền vững…”, bà Phạm Thị Hiền, chủ vựa trái cây tại khu vực Cầu Ngang (phường Hưng Định) nói.

Thương hiệu đang dần hồi phục

Trong thời gian qua, tỉnh đã thông qua nhiều đề án, tổ chức các đợt khảo cứu, hội thảo, tọa đàm nhằm tìm giải pháp khôi phục lại thương hiệu trái cây Lái Thiêu. Việc tổ chức các hoạt động thiết thực, mà trong đó đáng kể là tổ chức Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” năm 2013, cùng các chương trình hỗ trợ cho nhà vườn trước đó đã góp phần thiết thực trong việc hồi sinh uy tín của đặc sản trái cây Lái Thiêu. Lượng du khách tìm về ngày một tăng, đặc sản trái cây bản xứ đang dần tìm lại thị trường. Đây thật sự là một tín hiệu vui cho thương hiệu nổi tiếng một thời của du lịch Bình Dương.

Bên cạnh sự hỗ trợ từ tỉnh, các ngành và chính quyền địa phương, người dân cũng đã ý thức hơn trong việc phát triển kinh doanh du lịch. Nhiều nhà vườn đã chủ động đầu tư, trồng mới, vun đắp vườn cây lâu năm của mình để chuẩn bị cho một mục tiêu xa hơn. Đó là phát triển kinh doanh du lịch theo hướng bền vững, bằng cách lấy uy tín và chất lượng đặt lên hàng đầu. Những điển hình có thể kể đến như các chủ nhà vườn Võ Hiếu Trung, Nguyễn Văn Ngoan (xã An Sơn)… với sự đầu tư chăm chút từ trồng mới cây ăn trái đến việc sửa chữa lối đi, nạo vét mương, rạch tạo vẻ mỹ quan… là điểm sáng của du lịch sinh thái vườn Lái Thiêu, đã được du khách đánh giá cao về chất lượng.

Song song đó, cùng với người dân địa phương, nhiều nhà đầu tư cũng đã bắt đầu tìm đến Lái Thiêu để phát triển kinh doanh du lịch sinh thái. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng sẽ giúp thương hiệu du lịch Lái Thiêu lấy lại vị thế của mình trong tương lai. Anh Trần Hữu Trường, quản lý Nhà hàng sinh thái DAN (nhà hàng kết hợp du lịch tham quan VCAT với diện tích trên 3 ha tại xã An Sơn) cho biết, khai trương vào cuối năm 2013, nhà hàng DAN thu hút một lượng khách tương đối ổn định, với gần 70% lượng du khách đến từ các địa phương khác, nhiều nhất là từ TP.HCM. Điều này cho thấy thương hiệu du lịch Lái Thiêu vẫn còn hấp dẫn đối với khách du lịch gần, xa…

Nằm ven sông Sài Gòn, cách TP.Thủ Dầu Một khoảng 10km về phía nam và cách TP.HCM chừng 20km về phía bắc, thổ nhưỡng thuận lợi, cây cối tốt tươi, VCAT Lái Thiêu là điểm du lịch xanh thích hợp với nhiều lứa tuổi.

VCAT Lái Thiêu đã là một địa danh nổi tiếng hàng trăm năm qua với nhiều loại trái cây thơm ngon như sầu riêng, măng cụt, bòn bon, mít tố nữ, chôm chôm, dâu…, trong đó “Măng cụt Lái Thiêu” đã vinh dự có mặt trong danh sách 50 loại trái cây nổi tiếng của Việt Nam do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam bình chọn. Từ phường Lái Thiêu đi về hướng TP.Thủ Dầu Một, dọc theo con đường nhựa là các vườn cây nối tiếp nhau trải dài qua các phường Lái Thiêu, An Thạnh, Vĩnh Phú, Hưng Định, Bình Nhâm và xã An Sơn với tổng diện tích vườn cây khoảng trên 1.230 ha, trong đó tập trung nhiều nhất ở xã An Sơn với hơn 400 ha.

BÌNH MINH