Vững vàng trên đường đổi mới

Thứ tư, ngày 31/01/2024

(BDO) Bài 1: Đảng dẫn lối, soi đường

Thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, trong gần 40 năm qua và nhất là sau 27 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Bình Dương đã vận dụng sáng tạo những quan điểm, chủ trương và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn; đồng thời, tận dụng những lợi thế của tỉnh và xu thế phát triển của thế giới để hoạch định chiến lược phát triển, đưa Bình Dương từ một tỉnh thuần nông trở thành tỉnh có tốc độ phát triển nhanh trong vùng và cả nước.

Chủ động nắm bắt cơ hội

Trên cơ sở những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, nhất là chủ trương đổi mới, mở cửa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 và Đại hội Đảng lần thứ VII năm 1991, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Sông Bé đã nhanh chóng ban hành chính sách “trải chiếu hoa” mời gọi các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài đầu tư sản xuất, kinh doanh; đồng thời vừa tham khảo mô hình khu chế xuất của TP.Hồ Chí Minh, vừa chủ động nghiên cứu các mô hình khu công nghiệp (KCN) của nước ngoài; tỉnh xác định lấy công nghiệp là hướng đi chủ đạo trong phát triển kinh tế địa phương.

Mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ đã tạo thế vững chắc trong tiến trình hội nhập sâu rộng. Trong ảnh: Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I (TP.Thuận An), một khu công nghiệp kiểu mẫu tại Bình Dương. Ảnh: Q.CHIẾN

Vận dụng linh hoạt đường lối đổi mới của Đảng và chủ động khai phá tiềm năng, lợi thế của địa phương, tỉnh Sông Bé đã đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội. Năm 1996, Sông Bé đánh dấu sự kiện là năm thu hút đầu tư lớn nhất với 136 dự án FDI (chiếm gần 50% tổng số dự án của cả nước - 136/325). Đến thời điểm chia tách tỉnh năm 1997, tỉnh Bình Dương có cơ cấu kinh tế công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ với tỷ lệ tương ứng là 50,4% - 22,8% - 26,8%. Toàn tỉnh có tổng cộng 13 KCN với diện tích hơn 4.000 ha. Các KCN chủ yếu hình thành ở khu vực phía nam của tỉnh nhằm tận dụng điều kiện địa lý gần TP.Hồ Chí Minh - trung tâm công nghiệp, đô thị hàng đầu của cả nước. Mô hình KCN của tỉnh đã nhanh chóng phát huy hiệu quả tích cực trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Để mô hình KCN tập trung phát huy hết hiệu quả, tỉnh xác định mục tiêu phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là sự nghiệp chung, là điều kiện tiên quyết để mở ra khả năng thu hút vốn đầu tư. Đó cũng là điều kiện để phát triển các ngành kinh tế chủ chốt, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, phục vụ cho lượng lớn người lao động từ các nơi đến làm ăn sinh sống như nhà ở, trường học, cơ sở y tế... Trong đó, phát triển hạ tầng hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp được xem là nhiệm vụ trọng tâm lúc bấy giờ, là bước đột phá tạo lợi thế để thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyển đổi mô hình công nghiệp

Sau nhiều năm phát triển theo mô hình công nghiệp tập trung, tỉnh Bình Dương nhận thấy một số vấn đề đặt ra như quy hoạch thiếu đồng bộ, ô nhiễm môi trường, phát triển đô thị tự phát xung quanh các KCN dẫn đến điều kiện an sinh xã hội không bảo đảm cho một lượng lớn lao động nhập cư.

Đến nay, Bình Dương đã quy hoạch 33 KCN với tổng diện tích quy hoạch là 14.790 ha, chiếm 1/4 diện tích KCN toàn miền Nam, 13% diện tích KCN của cả nước và 12 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích gần 800 ha. Trong đó, 28 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích gần 12.000 ha, 1 KCN đang tiến hành các thủ tục đầu tư cơ sở hạ tầng (KCN Cây Trường) với tổng diện tích 700 ha; 10 CCN đã đi vào hoạt động với diện tích gần 650 ha, tỷ lệ lắp đầy bình quân của các CCN đi vào hoạt động khoảng 67,4%; qua đó đã đáp ứng tốt nhu cầu đầu tư phát triển các ngành công nghiệp cho các nhà đầu tư…

Trên cơ sở nhận định đó, không thể kéo dài tình trạng trên, tỉnh xác định vẫn lấy công nghiệp làm ngành kinh tế chủ lực nhưng phải chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp tập trung hiện hữu sang mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ nhằm tạo nên một hệ thống đô thị công nghiệp hiện đại, văn minh, đồng thời bổ sung thành tố mới cho dư địa tăng trưởng dài hạn của tỉnh nhà. Nếu như mô hình công nghiệp tập trung giúp tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu thì ở mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ đã tạo thế vững chắc trong tiến trình hội nhập sâu rộng và từng bước phát triển theo chiều sâu, bước đầu lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng. Đây cũng là chiến lược phát triển phù hợp với chủ trương, đường lối mà Đảng đã đặt ra.

Để xây dựng mô hình này đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn về nguồn lực, thời gian và kinh nghiệm. Để giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước, bên cạnh việc vận dụng hiệu quả chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, Bình Dương xác định phải tận dụng và phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công, làm “vốn mồi” để thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Qua đó, tỉnh đã phải tự lực tự cường, phát huy vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn Nhà nước nhằm giúp tỉnh đảm đương, gánh vác việc triển khai thực hiện các đường hướng, nhiệm vụ, công trình, dự án trọng điểm của địa phương. Trong đó có Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC), doanh nghiệp này đóng vai trò dẫn dắt, cụ thể hóa các định hướng của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, góp phần định hình tiến trình phát triển của Bình Dương.

Đến nay, Bình Dương đã quy hoạch 33 KCN với tổng diện tích quy hoạch là 14.790 ha, chiếm 1/4 diện tích KCN toàn miền Nam, 13% diện tích KCN của cả nước và 12 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích gần 800 ha. Trong đó, 28 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích gần 12.000 ha, 1 KCN đang tiến hành các thủ tục đầu tư cơ sở hạ tầng (KCN Cây Trường) với tổng diện tích 700 ha; 10 CCN đã đi vào hoạt động với diện tích gần 650 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân của các CCN đi vào hoạt động khoảng 67,4%; qua đó đã đáp ứng tốt nhu cầu đầu tư phát triển các ngành công nghiệp cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Với lợi thế về hạ tầng công nghiệp đồng bộ, các KCN tập trung quy mô lớn cùng với hàng loạt các chính sách “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”, “trải thảm đỏ chào đón nhân tài”, cơ cấu kinh tế tỉnh Bình Dương đã chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đã nhanh chóng tạo tiếng vang, thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, nhất là hàng hóa xuất nhập khẩu, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ.

Qua 27 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Bình Dương nhìn nhận việc lựa chọn phương hướng phát triển KCN tập trung trong giai đoạn trước là một lựa chọn sáng tạo và đúng đắn, góp phần đưa Bình Dương từ một tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp chuyển sang nền kinh tế công nghiệp, chuyển đổi căn bản đời sống xã hội nông nghiệp, nông thôn sang xã hội công nghiệp và đô thị. Không những trở thành một trong những địa phương có thu nhập đầu người cao nhất nước mà Bình Dương còn vinh dự được nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những hình mẫu phát triển trong tiến trình đổi mới của đất nước. (còn tiếp)

TRÍ DŨNG

Từ khóa: