Vững tin về tương lai xanh…

Thứ ba, ngày 04/06/2024

(BDO) Câu chuyện Pandora đầu tư dự án hơn 150 triệu USD, sử dụng 100% năng lượng tái tạo tại VSIP III trở nên hứng khởi trong ngày khởi công xây dựng. Ngày “biểu tượng xanh” VSIP III đón thêm “đại bàng về làm tổ” đã tiếp thêm niềm tin thắng lợi về tương lai kinh tế xanh của tỉnh nhà.

 Lễ khởi công Nhà máy Pandora tại VSIP III

 1. Dưới cái nắng gắt của buổi trưa hè, chúng tôi hối hả về VSIP III để kịp giờ khởi công nhà máy chế tác trang sức trị giá 150 triệu USD của thương hiệu thời trang Pandora nức tiếng. Hối hả bởi những công trình xanh đã và đang khởi dựng. Hối hả bởi sau hơn 2 tháng chưa về VSIP III, nơi đó nhà máy xanh Lego đã xây dựng đến đâu rồi?

Khẽ mỉm cười trước những câu hỏi hiện ra trong đầu tôi mường tượng ra những gương mặt hân hoan của công nhân trên công trường xanh Lego. Đường về VSIP III như rộn ràng hơn, khuất sau cái nắng nóng và khói bụi của tuyến đường ĐT746 đang thi công, VSIP III dần hiện ra.

Dạo một vòng quanh những công trình hiện hữu và những khu đất chờ dự án, tôi nhớ lại ngày VSIP III vừa khởi công. Trong câu chuyện trao đổi, PGS, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã khẳng định rằng: “Việc thành lập KCN VSIP III cũng là một cách tuyên bố về quyết tâm xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp mới - hệ sinh thái công nghiệp công nghệ cao, khác hẳn về chất so với “hệ sinh thái công nghiệp đời cũ” đã phát triển tại Bình Dương với VSIP I và II. Đây cũng là cách tuyên bố thay đổi chiến lược thu hút FDI của tỉnh, đó là ưu tiên công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và ít gây ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh”.

Ắt hẳn không phải ngẫu nhiên mà PGS, Tiến sĩ Trần Đình Thiên đưa ra nhận định đó. Đến lúc này, những ai hoài nghi nhất cũng phải đồng ý tán thành khi một KCN được định hướng phát triển xanh và bền vững với các thiết kế mới, đồng bộ về việc sử dụng năng lượng, nước, chất thải đến quản lý giao thông và an ninh đang hình thành. Một trang trại năng lượng mặt trời rộng 50 ha sẽ cung cấp điện tại chỗ cho các nhà máy lớn trong KCN, góp phần bảo vệ môi trường. Tất cả là minh chứng về hành trình triển khai những chiến lược đột phá lớn của tỉnh nhà. Ở đó, sản xuất xanh đang là một mắt xích quan trọng cùng hệ sinh thái số và đổi mới sáng tạo đang được phát triển mạnh, mang lại cuộc sống tốt đẹp, tiện ích hơn cho cả cộng đồng.

 Trên công trường xây dựng Nhà máy Lego những ngày tháng 5-2024

2. Hiện tại công trình Nhà máy Lego 1,3 tỷ USD đang được xây dựng “thần tốc”, khu nhà điều hành chung đã sắp hoàn thiện. Nhìn vào Lego, nhịp lao động công trường hối hả, nhiều màu sắc như nhịp sống của tuổi trẻ đầy khát khao. Tôi lại nhớ về những gương mặt rạng ngời khi đến Nhà máy Lego vào tháng 11 năm ngoái trong lễ cất nóc và tri ân 3 triệu giờ lao động an toàn. Từ chủ đầu tư, đối tác tổng thầu, nhà thầu phụ, đơn vị quản lý và toàn bộ công nhân đang làm việc tại dự án ai nấy cũng tràn đầy niềm hạnh phúc. Gương mặt ửng hồng, ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch Tập đoàn Lego kiêm Tổng Giám đốc Công ty Lego Việt Nam liên tục nhắc tới hai từ “hạnh phúc: “Tôi hạnh phúc xen lẫn tự hào khi Lego Manufacturing Việt Nam đã đạt được 3 triệu giờ lao động an toàn liên tục. An toàn trong một môi trường phức tạp và nhiều khó khăn, trong điều kiện khắc nghiệt về thời tiết là một điều tuyệt vời”.

“Nhà máy Lego tại VSIP III được thiết kế để trở thành nhà máy bền vững nhất của Tập đoàn Lego từ trước đến nay. Nhà máy sẽ được lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái và một trang trại điện mặt trời sẽ được xây dựng trên khu đất lân cận. Năng lượng từ hai nguồn này sẽ đáp ứng tổng nhu cầu năng lượng hàng năm cho nhà máy. Nhà máy sẽ sử dụng những thiết bị sản xuất tiết kiệm năng lượng tiên tiến nhất, đồng thời các tòa nhà và quy trình sản xuất được thiết kế để giảm thiểu việc sử dụng năng lượng”, ông Preben Elnef nhấn mạnh.

 Mô hình Nhà máy Pandora hoàn thiện vào năm 2026

3. Ngày khởi công Pandora lượng khách mời khá đông và thời tiết nắng nóng song câu chuyện Pandora đầu tư dự án hơn 150 triệu USD, sử dụng 100% năng lượng tái tạo, góp phần tích cực vào mục tiêu chuyển đổi xanh tại Việt Nam trở nên hứng khởi hơn bao giờ hết. Viễn cảnh nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới của tập đoàn này khi đi vào vận hành, tạo công ăn việc làm cho khoảng 7.000 thợ bạc, với công suất 60 triệu sản phẩm trang sức mỗi năm trở nên hấp dẫn.

Trời chiều đổ mưa dông, chúng tôi vẫn nán lại chờ ông Alexander Lacik, Tổng Giám đốc Tập đoàn Pandora để được nghe chia sẻ tỉ mỹ hơn về hành trình đem một Pandora “xanh” về với Bình Dương. Ông Alexander Lacik cho biết Pandora đã tìm hiểu xem xét 27 quốc gia trên thế giới trước khi quyết định xây nhà máy tại Bình Dương. Trước hết, Việt Nam có truyền thống nghề thủ công lâu đời, nhiều nghệ nhân có tay nghề. Chính phủ Việt Nam và tỉnh Bình Dương luôn tạo nhiều thuận lợi và ưu đãi tốt. Bình Dương và KCN VSIP III có cơ sở hạ tầng tốt, giao thông thuận lợi bởi hầu hết các sản phẩm của Pandora đều xuất khẩu. “Đặc biệt hơn cả, chính là sự nhiệt tình, sựhỗ trợ và cam kết mạnh mẽ từ chính quyền tỉnh” ông Alexander Lacik chia sẻ.

Cũng như Lego, Nhà máy Pandora sẽ được vận hành bằng 100% năng lượng tái tạo và sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn LEED Gold - chứng nhận công trình xanh hàng đầu. Điều này sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu bền vững của Pandora qua việc giảm một nửa lượng khí thải carbon trên toàn bộ chuỗi cung ứng vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040. Nhà máy sẽ được trang bị công nghệ sản xuất tiên tiến và được tối ưu hóa bằng các giải pháp kỹ thuật số.

 Đường về VSIP III hôm nay

Trên đường về chập choạng tối, chúng tôi lại nghĩ về một tương lai công nghiệp xanh, kinh tế xanh tại VSIP III, tại Tân Uyên, Bắc Tân Uyên và cả địa bàn Bình Dương. Đó không còn là viễn cảnh mà đã ở rất gần, đang dần hiện hữu…

 TIỂU MY