Vững tin từ trận thắng hôm nay…

Thứ sáu, ngày 28/01/2022

(BDO) Những người bám trụ

Anh Trần Thanh Mẫn, công nhân Công ty TNHH Quốc tế FrieslandCampina Việt Nam, kể lại khi công ty thông báo trong nhà máy đã xuất hiện nhiều ca F0, công ty thực hiện “3 tại chỗ” anh cùng nhiều anh em khác đăng ký ở lại trong nhà máy. “Chúng tôi được quan tâm, chăm sóc và bảo vệ chu đáo khi làm “3 tại chỗ”. Chúng tôi rất hiểu muốn duy trì sản xuất để không bị vỡ hợp đồng và tạo điều kiện cho người lao động vẫn có thu nhập thì doanh nghiệp phải chịu không ít thiệt hại. Vì lẽ đó, nhiều người lao động quyết không bỏ nhà máy lúc khó khăn này”, anh Mẫn tâm sự.

 Thực hiện chủ trương của tỉnh trong việc xã hội hóa y tế, Công ty Hưng Thịnh đã xây dựng và đưa vào vận hành Trạm Y tế lưu động tại Khu công nghiệp Đồng An 2 để khám và điều trị Covid-19 cho người lao động theo phương châm “vừa sản xuất, vừa chống dịch”

Lập nên cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng, từng trải qua đủ đắng cay, ngọt bùi và cả những cơn sóng dữ của cuộc đời, nhưng theo ông Bùi Mạnh Lân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại - Sản xuất - Xây dựng Hưng Thịnh, đợt dịch bệnh Covid-19 thật sự là một bài toán khó đối với ông và nhiều doanh nhân khác, ảnh hưởng sâu rộng đến toàn xã hội. Ông Lân tâm sự, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên khó tránh khỏi tâm lý u ám, thậm chí buông xuôi nơi những người kinh doanh. Nhưng những người làm chủ doanh nghiệp càng không được phép buông xuôi, bởi sau lưng là cuộc sống, là gia đình của biết bao nhiêu người lao động.

Luôn đặt lợi ích của người lao động lên hàng đầu, nên suốt 3 tháng trời khi dịch bệnh Covid-19 ở đỉnh điểm, cũng như rất nhiều chủ doanh nghiệp khác, ông Lân không về nhà dù nhà ông chỉ cách công ty 15km. Ông chọn ở lại, cùng ăn, cùng ở, cùng làm và lên dây cót tinh thần cho nhân viên. Ông nói mình là “sếu đầu đàn” mà không “3 tại chỗ” được sao đòi hỏi anh em thực hiện. Những người ở lại với ông tại nhà máy được trả lương, phụ cấp, chăm lo chu đáo… Những người do điều kiện gia đình không ở lại được, công ty vẫn trả 75% lương và thường xuyên gửi thực phẩm hỗ trợ đến tận nhà.

Niềm tin người ở lại

Trong khi nhiều người lao động nhập cư bí bách trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội đã tự kéo nhau về quê, chị Nguyễn Thị Kim Thoa (khu phố Bình Đường 1, phường An Bình, TP.Dĩ An) vẫn quyết định ở lại dù có không ít những lo âu.

Do công ty chị Thoa có nhiều ca F0 nên phải tạm dừng hoạt động một số dây chuyền. Chị cũng nằm trong số những công nhân phải tạm nghỉ việc. Chồng chị phải vào ở trong nhà máy để làm “3 tại chỗ”. Thay vì ở nhà cho an toàn, mỗi ngày, khi ánh mặt trời chưa ló dạng, chị Thoa gửi lại đứa con mới 4 tuổi cho mẹ già. Chị đi đến những căn bếp yêu thương của Hội phụ nữ trên địa bàn phường, vội vã nấu những suất cơm còn nóng hổi mang đến cho lực lượng chống dịch tại các chốt. Rồi chị lại tất tả với những chuyến đi gấp gáp để mang những phần thực phẩm đến kịp với bà con trong các khu cách ly, phong tỏa, khu nhà trọ có những hoàn cảnh khó khăn… Cuộc sống suốt những ngày dịch bệnh của chị vẫn cứ đều đặn và đầy nhiệt huyết như không hề có sự mệt mỏi.

Tại Bình Dương khi đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4 ập đến, có rất nhiều người như chị Thoa. Họ đã quên đi bản thân, gác lại mọi niềm riêng, bám trụ lại mảnh đất này để đồng hành, chung tay chống dịch. Ông Ngô Vi Thống, phường Bình Hòa, TP.Thuận An, chia sẻ: “Tôi thấy tất cả các thành phần xã hội dù thường trú, tạm trú, dù là người địa phương hay người lao động xa quê… đều được đối xử như nhau. Tôi đi từng nhà động viên bà con, hơn lúc nào hết, Bình Dương cần lắm sự đồng lòng, chung tay, chung sức. Ai có sức dùng sức, ai có của dùng của, không có gì chăng nữa thì cũng nên thể hiện ý thức “ai ở đâu ở yên đấy” để gìn giữ, bảo vệ ngôi nhà chung của mình. Lúc đó, tôi luôn tin Bình Dương rồi sẽ ổn thôi”.

Giông bão đã qua

Sau những ngày bão giông, trời Bình Dương đã xanh hơn, nắng cũng đẹp hơn và lòng người lại thêm ấm áp. Hai đứa con của anh Mẫn cười nhiều hơn khi anh được về nhà mỗi ngày. Những ngày cuối năm, công ty đang tăng tốc sản xuất với rất nhiều đơn hàng mới, anh cũng phải tăng ca. Nhưng anh bảo dù có vất vả mấy anh vẫn vui vì mọi thứ đã “bình thường”.

Ông Bùi Mạnh Lân cũng vui chung niềm vui với các doanh nghiệp trong 2 khu công nghiệp của mình. Nhớ lại những ngày đã qua, ông xúc động chia sẻ: “Càng trong khó khăn càng thấy sự đoàn kết chung tay vì cộng đồng của rất nhiều doanh nghiệp. Là chủ 2 khu công nghiệp Đồng An 1 và Đồng An 2, tôi thấy rõ được đều đó. Cứ kêu gọi là anh em chung tay, như anh Hồ Minh Quang (Công ty Tôn Nam Kim), anh Hồ Song Ngọc (Công ty Tôn Đông Á) và rất nhiều doanh nghiệp khác… dù lúc bấy giờ họ cũng đang rất khó khăn. Không kêu than, chỉ bằng hành động, người hỗ trợ tiền, người giúp xe cứu thương, người thì thuốc men, thiết bị y tế, người ủng hộ lương thực, thực phẩm… cũng được hơn 20 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh. Cứ thế tinh thần đoàn kết, sẻ chia, đùm bọc, một tinh thần xích lại gần nhau nhất có thể, đã cho tôi thấu hiểu trách nhiệm, nghĩa tình cộng đồng doanh nghiệp”.

Đến thăm chị Thoa vào những ngày cuối năm, chị đang dạy cho cậu con trai 4 tuổi của mình tô màu. Chị bảo, năm nay khó khăn, tết này chị không đưa mẹ về quê được. Chị tâm sự, dù Bình Dương không phải là nơi “chôn nhau, cắt rốn”, nhưng hơn 10 năm qua, tôi luôn cảm thấy yêu thương với mảnh đất này. Với chị, đất Bình Dương nghĩa tình, người Bình Dương đôn hậu, hiếu khách, luôn dạt dào tình cảm. “Đất và người Bình Dương đã luôn yêu thương, bao bọc, chở che cho hàng trăm ngàn người con từ khắp mọi miền đất nước như tôi đến an cư, lập nghiệp. Tôi luôn có một niềm tin mãnh liệt, rằng với tình người và sự sẻ chia, biết nắm chặt tay nhau vượt qua những ngày giông bão, Bình Dương sẽ chiến thắng tất cả”, chị Thoa trải lòng.

" Rằng qua lận đận mới hiểu tận lòng nhau”. Một năm nữa lại qua đi, một năm của nhiều khó khăn và mất mát. Trong “tâm bão” mới thấy hết được tinh thần đoàn kết và sự chung tay của cả cộng đồng. Nhìn lại, để thấu tỏ và cảm nhận sâu sắc hơn về trách nhiệm xã hội và nghĩa đồng bào trong gian khó. Mùa xuân đến, nhịp sống “bình thường” đang hồi sinh trên từng con đường, ngõ phố. Trong từng nhà máy, từng công xưởng… người lao động lại hăng say trong tiếng nói cười tràn trề hy vọng.

NGỌC THANH

Từ khóa: