Vững tin trên con đường phát triển thông minh
(BDO)
Bình Dương đang chuyển đổi mô hình khu công nghiệp đơn thuần sang mô hình khu công nghiệp xanh, thông minh để đón dòng vốn đầu tư chất lượng hơn. Trong ảnh: Một góc khu công nghiệp - đô thị Bàu Bàng
Hạ tầng “đi trước”
Cuối tháng 6-2023, Bình Dương đã khởi công dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh, chiều dài gần 11km với tổng mức đầu tư gần 19.280 tỷ đồng. Đây là công trình giao thông kết nối trọng điểm, có ý nghĩa rất quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương nói riêng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Tỉnh cũng đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện, thủ tục triển khai 2 tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành (Bình Phước) và đường Vành đai 4.
Với khát vọng đổi mới, không ngừng sáng tạo đã mang lại cho Bình Dương những kết quả vượt trội trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm liên tục, GRDP bình quân đầu người hiện nay của Bình Dương tiếp tục đứng đầu cả nước. Bình Dương cũng là địa phương nằm trong tốp đầu về thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, có nhiều dự án quy mô lớn, tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa cao. |
Với việc “đi trước một bước” trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thời gian qua, Bình Dương đãđạt được nhiều thành tựu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện, phục vụ tốt hơn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương của người dân và doanh nghiệp. Với việc các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang xây dựng tại địa phương, nhất là các dự án liên kết vùng như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành qua địa bàn tỉnh, có thể tăng sức hút dòng vốn FDI mới, do đó tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh để phát triển bền vững hơn, thời gian tới Bình Dương tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải và các địa phương trong vùng để sớm xây dựng hệ thống giao thông kết nối đồng bộ. Tỉnh sẽ tập trung nguồn lực, ưu tiên các công trình cần hoàn thành trong thời gian sớm nhất, như: Mở rộng Quốc lộ 13, Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành…
Phát triển xanh, bền vững
Nhận được sự ủng hộ từ Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh Bình Dương, Tập đoàn Lego đang tích cực xây dựng nhà máy tại VSIP III để chính thức đi vào hoạt động vào năm 2024. Đây cũng là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Lego được phát triển theo hướng xanh, bền vững và thân thiện môi trường với mục tiêu không có khí thải carbon. Nhà máy này cũng được xây dựng theo tiêu chuẩn LEED Gold (hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về thiết kế đạt chuẩn hàng đầu về năng lượng và môi trường). Bên cạnh việc rót hơn 1,3 tỷ đô la Mỹ để xây dựng nhà máy, Lego còn đầu tư thêm 1 nhà máy điện mặt trời với công suất 50MW để phục vụ sản xuất.
Ông Võ Văn Minh đánh giá dự án của Lego là một “dấu mốc xanh” mới trong dòng FDI vào Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng. Việc tập đoàn danh tiếng như Lego lựa chọn Bình Dương làm điểm đến chiến lược có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng vốn FDI, đồng thời làm tăng thêm uy tín của Bình Dương đối với các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư đến từ châu Âu.
Sau “cú hích” từ Lego, nhiều nhà đầu tư cũng quan tâm tìm hiểu và đầu tư các dự án vào Bình Dương ngày càng chất lượng hơn, xanh hơn. Đơn cử như Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) cũng đã quyết định đầu tư dự án 100 triệu đô la Mỹ. Dự án này cũng dự kiến sử dụng 100% năng lượng tái tạo, tạo ra hơn 6.000 việc làm và cũng sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn LEED Gold. Mới đây, Tập đoàn SEP cũng đến Bình Dương tìm hiểu và muốn đầu tư hơn 200 triệu đô la Mỹ để thành lập Khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon chuyên về ngành giày và cơ sở hạ tầng giảm thiểu carbon đầu tiên của Việt Nam trên diện tích 180 ha tại cụm công nghiệp Tam Lập 2, huyện Phú Giáo.
Bình Dương đã thành công trong việc thu hút FDI và là một điển hình về phát triển công nghiệp của cả nước. Đây là lúc Bình Dương cần phải hướng đến thu hút nguồn vốn FDI có chọn lọc hơn. Cùng với đó, chuyển hướng từ mô hình khu công nghiệp đơn thuần sang mô hình khu công nghiệp xanh, thông minh là định hướng quan trọng để đón dòng vốn chất lượng. Mặc dù việc phát triển kinh tế xanh của tỉnh mới chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu, còn không ít thách thức nhưng việc đặt mục tiêu sớm sẽ giúp Bình Dương tiếp tục thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp ngày càng bền vững.
NGỌC THANH