Vững một niềm tin

Thứ hai, ngày 02/08/2021

(BDO) Trong 7 tháng đầu năm 2021, Bình Dương có thêm 3.624 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với số vốn đăng ký 26.283 tỷ đồng, tăng 7,9% về số DN và tăng 28,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020. Theo Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2021, số DN thành lập mới và số vốn đăng ký vẫn tăng, thể hiện khát vọng khởi nghiệp bất chấp hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 đang gây ảnh hưởng nặng nề. Một điểm đáng chú ý, các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 thứ 4 vẫn có sự gia tăng về số DN gia nhập thị trường so với cùng kỳ năm ngoái, như khu vực TP.Thuận An có số lượng DN thành lập mới đạt cao nhất với 768 DN và số vốn đăng ký 5.872 tỷ đồng. Tiếp đó là TP.Thủ Dầu Một với 760 DN và số vốn đăng ký 6.953 tỷ đồng; TX.Tân Uyên với 688 DN và số vốn 3.198 tỷ đồng và TP.Dĩ An với 608 DN và số vốn 3.774 tỷ đồng…

Mặc dù dịch bệnh còn diễn biến phức tạp song với triển vọng tiêm vắc xin và tiềm năng tăng trưởng của thị trường, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của DN trong quý III-2021 vẫn ghi nhận, đánh giá tích cực khi có 88,96% số DN nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh quý III-2021 so với quý II-2021 tốt lên và giữ ổn định. Trong đó, 39,51% DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 49,45% DN cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định và 11,04% DN dự báo khó khăn hơn. Có thể khẳng định, đây là tín hiệu tích cực, phản ánh niềm tin của cộng đồng DN trong việc thực hiện “mục tiêu kép”; đồng thời, là tín hiệu tích cực về triển vọng phát triển của DN thời gian tới.

Để hỗ trợ cho DN vượt qua khó khăn trong thời gian tới, các DN kiến nghị Chính phủ tiếp tục hạ lãi suất cho vay và nới lỏng các điều kiện vay để DN có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn từ ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thực hiện giãn nợ và tiếp tục cho vay để DN duy trì hoạt động và có khả năng trả nợ; điều chỉnh và quản lý giá các sản phẩm đầu vào (xăng, điện, gas, than…) để hạn chế tối đa sự biến động tới chi phí đầu vào của DN; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Số lượng DN gia nhập hay rời khỏi thị trường chính là thước đo “sức khỏe” của nền kinh tế. Trong bối cảnh DN gặp nhiều khó khăn và thách thức, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa an toàn. Tin rằng, với sự quyết tâm của tỉnh, “mục tiêu kép” đang kiên trì thực hiện là cách để biến những khó khăn thách thức thành cơ hội phát triển bền vững hơn.

TRIẾT NHÂN