Vùng Đông Nam bộ: Đột phá phát triển, tiên phong liên kết, hội nhập

Thứ hai, ngày 06/05/2024

(BDO) Ngày 5-5, tại Tây Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ (ĐNB) chủ trì Hội nghị lần thứ 3 Hội đồng điều phối vùng ĐNB. Tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh, thành trong vùng. Về phía tỉnh Bình Dương, tham dự có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biệu Quốc hội tỉnh; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Phát huy tối đa lợi thế

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chuyển lời thăm hỏi, chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới lãnh đạo và nhân dân các tỉnh, thành miền ĐNB đã cùng với Chính phủ, các bộ ngành, đồng loạt triển khai nhiều công việc cụ thể, đạt nhiều chuyển biến tích cực sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, trong đó quy hoạch vùng ĐNB đã hoàn thành. Thủ tướng Chính phủ cho biết Tổng Bí thư mong muốn các bộ ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về vùng ĐNB, cũng như các nghị quyết của Bộ Chính trị về các vùng khác trên cả nước. Điều này cho thấy sự quan tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với vấn đề phát triển, liên kết vùng, trong đó có ĐNB là vùng đóng góp nhiều nhất cho GDP và ngân sách quốc gia.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Quyết định quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo các địa phương. Ảnh: MINH DUY

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, mỗi vùng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh khác nhau được giao các nhiệm vụ khác nhau. Nhìn tổng thể, nhiệm vụ được giao của vùng ĐNB cao hơn các vùng khác. Thủ tướng Chính phủ đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố, thành viên Hội đồng điều phối vùng, đại diện các bộ, ngành, cùng các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung trọng tâm nhằm làm sâu sắc hơn các giải pháp phát triển của quy hoạch vùng nhằm tìm ra các đề xuất mang tính đột phá, cơ chế, chính sách đặc thù, khai thông và tranh thủ các nguồn lực phục vụ phát triển vùng.

Hội nghị đã tập trung thảo luận về việc tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch vùng ĐNB vừa được ban hành tại Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 4-5- 2024. Việc hoàn tất phê duyệt quy hoạch vùng ĐNB có ý nghĩa quan trọng để cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu tại nghị quyết phát triển vùng. Cụ thể hóa việc bố trí không gian phát triển các ngành trên địa bàn, triển khai các dự án mang tính kết nối quan trọng giữa các tỉnh trong vùng, liên vùng và liên ngành. Đẩy nhanh thực hiện các đột phá chiến lược nhằm phát huy tối đa lợi thế so sánh về vị trí địa lý, kinh tế của vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng và các vùng lân cận.

Ông Nguyễn Văn Lợi (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự hội nghị

Đổi mới mô hình tăng trưởng

Vùng ĐNB phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 8 - 9%/năm; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 - 420 triệu đồng, tương đương 14.500 - 16.000 đô la Mỹ. Tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 41 - 42% trong GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng 45 - 46%, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo khoảng 33%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2 - 3%. Phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 35 - 40%; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70 - 75%. 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố Quyết định số 370/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch vùng ĐNB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Mục tiêu nhằm xây dựng ĐNB trở thành vùng văn minh, hiện đại, phát triển năng động, trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, giáo dục - đào tạo, khoa học, cộng nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, giữ vai trò quan trọng trong liên kết và thúc đẩy phát triển các vùng khác.

Phát triển vùng ĐNB bảo đảm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước, chiến lược quy hoạch cấp quốc gia, đi đầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế. Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại, huy động tối đa nguồn lực phát triển, kết hợp hài hòa giữa nội lực với ngoại lực, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm và động lực phát triển. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao ngang tầm khu vực và thế giới, có vị thế vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong đó tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh để mở rộng không gian phát triển, gắn kết giữa khu vực đất liền với không gian biển, phát triển hài hòa khu vực đô thị. Đẩy mạnh xây dựng các hành lang kinh tế, vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với các hành lang giao thông kết nối vùng, liên vùng và quốc tế. Phát triển nhanh, bền vững, hài hòa giữa các tiểu vùng, thu hẹp chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Cần hỗ trợ nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ

Ông Võ Văn Minh phát biểu tại hội nghị

Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Bình Dương đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể, trong đó có thể kể đến như hợp tác phát triển với các địa phương trong vùng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án giao thông trọng điểm như Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành… Cơ bản xác định các hướng tuyến kết nối các địa phương trong vùng ra sân bay (Tân Sơn Nhất, Long Thành), cảng biển (Cái Mép - Thị Vải), có phương án đầu tư phát triển ga Sóng Thần (Dĩ An) thành trung tâm vận chuyển hàng hóa trọng điểm của vùng ĐNB, từ đó hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt từ Bình Dương sẽ kết nối với các tỉnh, thành từ Nam ra Bắc.

Mặc dù vậy, tỉnh gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai một số nhiệm vụ, dự án. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách tỉnh còn khó khăn và nhu cầu đầu tư trong tỉnh còn rất lớn, tỉnh kiến nghị các cơ quan Trung ương xem xét hỗ trợ 50% tổng vốn ngân sách tham gia dự án đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh đối với đoạn qua địa bàn Bình Dương tương tự như dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh. Kiến nghị các cơ quan Trung ương xem xét, chấp thuận cho tỉnh Bình Dương được áp dụng cơ chế “HĐND cấp tỉnh được quyết định sử dụng ngân sách địa phương và chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện dự án, công trình giao thông có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa các địa phương thuộc dự án Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh” để có cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện dự án.

Qua rà soát, dự thảo báo cáo về cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng ĐNB, tỉnh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện, trình Quốc hội ban hành nhằm sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo động lực tăng trưởng đột phá cho các tỉnh, thành trong vùng. Đầu tư hạ tầng giao thông vùng cần nguồn lực lớn, trong khi vùng Đông Nam bộ có 4/6 tỉnh, thành thuộc nhóm địa phương có tỷ lệ điều tiết phần ngân sách địa phương bình quân được hưởng khá thấp so với các vùng khác (Nghị quyết số 105/2023/QH15 của Quốc hội). Do đó, tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương quan tâm có chính sách, cơ chế tháo gỡ nhằm tăng tỷ lệ điều tiết nguồn ngân sách địa phương được hưởng để các tỉnh, thành phố trong vùng tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh, liên vùng.

MINH DUY