Vùng đất thân yêu, đáng sống

Thứ sáu, ngày 18/11/2022

(BDO) Tôi vốn là người con được sinh ra và lớn lên trên vùng đất Bình Dương. Ngoài 30 tuổi, tôi cứ ngỡ mình cũng đã hiểu biết tương đối về vùng đất mà ông bà, cha mẹ và bản thân mình chôn nhau, cắt rốn. Nhưng đến khi tiếp cận với chương trình “Tôi yêu Bình Dương” trên báo Bình Dương, tôi mới biết Bình Dương còn rất nhiều điều thú vị và bất ngờ khác thu hút mọi người...


Bình Dương hôm nay với sự phát triển vượt bậc đang là một trong những điểm sáng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Tuổi thơ của tôi may mắn được gắn bó với nhiều địa danh ở Bình Dương mà có lẽ ai cũng nghe qua. Đó là chợ Thủ, một ngôi chợ nổi tiếng của đất Bình Dương được xây dựng và tồn tại hàng trăm năm, nơi mà lúc nhỏ mẹ hay dắt tôi đi chợ mỗi ngày. Tôi thường tung tăng theo mẹ từ chợ trên tới chợ cá phía dưới, trầm trồ trước những mẹt, thúng bánh trái, thức ăn; lạ lẫm khi bước đến khu vực bán lu, vại, tô, chén... Hay mê mải đứng nhìn cảnh những chuyến đò chở khách qua sông và ước ao một ngày nào mình cũng được đi thử một lần như vậy...

Rồi mỗi ngày trên đường đi học, đi chơi, tôi lại thường đi ngang qua, thậm chí vào vui chơi tại các ngôi nhà cổ như nhà cổ Trần Công Vàng, nhà cổ Trần Văn Hổ hoặc cùng bạn bè chen chúc nhau đi xem cộ Bà Thiên Hậu mỗi dịp rằm tháng giêng đến nỗi áo quần xộc xệch, bung nút, rách vai. Hay đi thăm, thắp nhang ở chùa Thuận Thiên, chùa Ông Ngựa, chùa Hội Khánh... cùng gia đình và bạn bè. Cũng đã nhiều lần tôi được vào tham quan di tích nhà tù Phú Lợi, nơi sau này tôi mới biết là địa ngục trần gian thời chiến tranh.

Tôi còn nhớ, Bình Dương lúc ấy nổi tiếng về nghề điêu khắc, sơn mài, sản xuất đồ gốm, trồng cây ăn trái, cây đặc sản như tiêu, điều, cao su... Và cho đến bây giờ, những thương hiệu như sơn mài Thanh Lễ, Định Hòa, gốm sứ Minh Long I, II, làng sơn mài Tương Bình Hiệp, vườn cây ăn trái Lái Thiêu ngày nào... nay vẫn hiện hữu.

Có lẽ không bao giờ tôi quên những lần theo cha mẹ về quê ngoại ở An Thạnh (Thuận An). Trên những chuyến xe lam hay xe ngựa gõ nhịp lóc cóc đến vui tai, bọn trẻ chúng tôi thích thú nhìn những cơ sở điêu khắc, sơn mài, hay hàng loạt lò chén thủ công phơi các loại chén, tô, dĩa, bình hoa... nằm dọc 2 bên ngã ba Lò Chén (phường Chánh Nghĩa), chạy dài xuống miệt Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một), An Sơn, An Thạnh (TP.Thuận An)...Và trên chuyến xe quay về, lúc nào cả nhà tôi cũng ghé lót dạ món bánh bèo bì nổi tiếng có tên gọi “Bánh bèo bì Mỹ Liên”.

Còn khi về thăm quê nội ở Tân Uyên mỗi dịp tết hay có lễ giỗ, tôi lại trầm trồ khi thấy những ruộng lúa, khoai, đậu; các loại hoa, củ bán dịp tết đủ màu sắc nằm khoe mình trong nắng sớm trông bình yên đến lạ... Đêm đến, bên ánh đèn dầu leo lét, bọn trẻ chúng tôi được ngồi nghe người lớn kể về những trận chiến chống giặc thời kỳ chiến tranh của các bậc cha, ông đã làm rạng danh những cái tên như Chiến khu Đ, Nhà Đỏ - Bông Trang...

Thời gian trôi qua thật nhanh, sau nhiều năm thực hiện đổi mới, từ một tỉnh nông nghiệp, đến nay Bình Dương đã chuyển mình, trở thành một trong những tỉnh, thành có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với sự phát triển có thể nói là đáng kinh ngạc ấy, Bình Dương đã trở thành vùng “đất lành chim đậu”, nơi lúc nào cũng sẵn sàng trải chiếu hoa, trải thảm đỏ mời gọi khách phương xa đến đây hợp tác làm ăn, lao động, sinh sống...

Giờ đây, những địa danh gắn bó với thời thơ ấu của tôi hầu hết đều đã trở thành những di tích lịch sử hay di tích văn hóa cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia, là những địa chỉ góp phần giáo dục truyền thống hào hùng của dân tộc trong quá trình đấu tranh giữ nước và dựng nước cho các thế hệ sau này. Không chỉ vậy, Bình Dương còn có rất nhiều di tích, danh thắng, làng nghề, khu du lịch... nổi tiếng khác để giữ chân du khách... Thành tựu đó càng làm cho tôi thêm tự hào và yêu thương vùng đất này.

Bình Dương luôn hiện hữu trong trái tim, tâm trí của những người con được sinh ra và lớn lên ở đây. Bây giờ và mãi mãi sau này, dù có đi đâu, ở đâu và làm gì, trái tim tôi vẫn luôn hướng về vùng đất Bình Dương thân yêu, đáng sống...

BÌNH MINH