Vùng chuyên canh cây có múi ngày càng nâng cao giá trị

Thứ sáu, ngày 30/07/2021

(BDO) Trong những năm gần đây, sản xuất cây ăn trái có múi trong tỉnh được quan tâm đầu tư và phát triển khá toàn diện, liên tục tăng trưởng cả về diện tích, số lượng và giá trị, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Để nâng cao giá trị, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ và giải pháp thiết thực nhằm giúp vùng chuyên canh cây có múi phát triển bền vững.

 Mô hình trồng cam VietGAP ở trang trại Tám Thanh (xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên) cho hiệu quả kinh tế cao

 Diện tích tăng dần

Hiện nay, toàn xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên) có khoảng 60 hộ trồng các loại cây có múi theo quy mô hàng hóa, chiếm hơn 90% trong tổng số 602 ha cây ăn trái trên địa bàn xã. Ngoài ra, Hiếu Liêm có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 4.100 ha, chiếm 90,3% diện tích toàn xã, đây là lợi thế lớn để phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa.

Trang trại cam VietGAP của ông Lâm Thành Thương (ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm) đã thành công với mô hình trồng cây có múi cho thu nhập bình quân hàng năm đạt 20 tỷ đồng. Trang trại của anh Thương rộng 120 ha, chuyên trồng cam, quýt, cho sản lượng bình quân từ 30 - 40 tấn/ha. Để chủ động ký hợp đồng tiêu thụ với các đối tác, ông Lâm Thành Thương đã mạnh dạn áp dụng biện pháp “làm trái” theo ý muốn trên cây cam. Đó là phương pháp “đậy nylon bạt” phủ toàn bộ nền luống, “cắt nước tưới”, cắt một phần bộ rễ cây, kết hợp với phân lân và kali để kích thích phát triển đỉnh sinh trưởng mới giúp cây tạo hoa và kết trái. Sau khi đậu trái kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ hợp lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định, bảo đảm thời gian cách ly sẽ cho chất lượng trái cam tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng. Cùng với đó, trang trại của anh Thương đang nghiên cứu khảo nghiệm máy đo độ ngọt của trái, nếu thành công đưa vào ứng dụng sẽ giúp cho sản phẩm có được chất lượng đồng đều, tăng tính cạnh tranh với các sản phẩm vùng miền khác.

Thấy được hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân ở huyện Bắc Tân Uyên đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có múi. Với điều kiện tự nhiên thích hợp, bên cạnh dòng sông Bé và sông Đồng Nai thuận lợi cho việc tưới tiêu, chỉ trong thời gian ngắn, diện tích cây có múi ở huyện Bắc Tân Uyên tăng nhanh tạo thành vùng chuyên canh. Hiện diện tích cây ăn trái có múi ước đạt hơn 2.340 ha, tăng 70 ha so với năm trước. Đến nay, toàn huyện có gần 500 ha cây có múi đã cho thu hoạch, trong đó có hơn 100 ha sản xuất theo hướng VietGAP và hơn 60 ha đã được chứng nhận VietGAP.

Tìm đầu ra bền vững

Thông qua các dự án xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh theo hướng VietGAP, tỉnh hỗ trợ sản xuất phát triển vùng cây ăn trái có múi, hỗ trợ trồng trọt thực hiện mô hình VietGAP. Tỉnh cũng hỗ trợ nâng cao kỹ thuật, chi phí giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân.

Tuy nhiên, việc phát triển diện tích cây ăn trái có múi còn manh mún, cần có chiến lược hợp lý để phát triển nguồn cây ăn trái này một cách bền vững. Ông Đoàn Minh Chiến, chủ trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến (xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên), cho biết việc trồng cây ăn trái vẫn còn gặp không ít khó khăn do sản xuất nhỏ lẻ, khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác. Đặc biệt, đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định, thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng. Để giải quyết được vấn đề này cần phải xác định được vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có sự thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về chất lượng cây giống và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết để nâng cao giá trị, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ và giải pháp thiết thực nhằm giúp vùng chuyên canh cây có múi phát triển bền vững, từ đó góp phần giúp nông dân đầu tư, thâm canh mở rộng diện tích sản xuất. Để phát triển bền vững cây ăn trái có múi theo chuỗi giá trị, thời gian tới ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung đẩy mạnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch đã phê duyệt, chú trọng phát triển các vùng sản xuất tập trung, hàng hóa lớn. Mặt khác, ngành tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP; khuyến cáo, tư vấn, hướng dẫn người trồng sản xuất theo hướng hữu cơ, dần hình thành vùng sản xuất cây có múi hữu cơ, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng được vùng trồng cây có múi phát triển bền vững, an toàn với môi trường.

 Diện tích cây có múi trên địa bàn tỉnh hiện có 3.800 ha, chiếm trên 53% diện tích cây ăn trái toàn tỉnh. Trong đó, huyện Bắc Tân Uyên là vùng trồng cây có múi chủ lực với diện tích ước trên 2.300 ha. Nhiều diện tích trồng cây có múi cho thu nhập cao từ 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, tính đến nay, số cơ sở sản xuất cây có múi đạt chứng nhận VietGAP là khoảng 250 ha, chủ yếu là huyện Bắc Tân Uyên (180 ha). Một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu, như “Bưởi Bạch Đằng”, “Cam Bắc Tân Uyên”, “Bưởi Bắc Tân Uyên”, “Quýt Bắc Tân Uyên”.

THOẠI PHƯƠNG