Vững bước đi lên
Năm 1945, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28-8-1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra tuyên cáo thành lập Chính phủ gồm 12 bộ do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, trong đó có Bộ Tư pháp do ông Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng. Từ đó đến nay ngành tư pháp không ngừng lớn mạnh và xứng đáng là “cơ quan tham mưu” tin cậy của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc hoạch định và tổ chức thực hiện đường hướng phát triển lĩnh vực pháp luật và tư pháp của đất nước…
Ông Bùi Duy Hiền, (thứ 7 từ trái sang) Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh trao cờ lưu niệm cho các đội thi tham gia hội thao chào mừng 70 năm Ngày thành lập ngành tư pháp Việt Nam. Ảnh: TÂM TRANG
70 năm trưởng thành
Theo quy định tại Nghị định số 37 ngày 1-12-1945, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm soạn thảo và tổ chức thi hành các đạo luật về quyền tự do, dân chủ của cá nhân, về dân sự, thương mại, hình sự và thủ tục tố tụng, tổ chức và quản trị các tòa án, việc truy tố tội phạm, tư pháp công an, thi hành các án phạt, quản trị các nhà lao và giáo dục tù nhân, quản lý các viên chức tòa án, viên chức ngạch tư pháp, luật sư… phụ trách công việc quốc tịch, thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp và ủy thác tư pháp với nước ngoài.
Năm 1958, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Viện Công tố Trung ương được thành lập và tách khỏi Bộ Tư pháp. Đến năm 1960, Bộ Tư pháp giải thể, Vụ Pháp chế thuộc Văn phòng Chính phủ được thành lập với nhiệm vụ giúp Chính phủ xây dựng pháp luật về kinh tế và hành chính. Các nhiệm vụ khác của Bộ Tư pháp được chuyển giao cho Bộ Công an, TAND tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và một phần cho chính quyền địa phương. Năm 1981, Bộ Tư pháp được tái lập theo Nghị định số 143/HĐBT ngày 22-11-1981 của Hội đồng Bộ trưởng với chức năng giúp Hội đồng Bộ trưởng thực hiện quản lý thống nhất các việc về tư pháp trong cả nước, bao gồm xây dựng pháp luật, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, quản lý về mặt tổ chức các TAND địa phương, quản lý nhà nước các công tác luật sư, công chứng, giám định…
Theo Quyết định số 715/ TTg ngày 7-1-1995 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28-8 hàng năm được công nhận là Ngày truyền thống của ngành tư pháp Việt Nam.
Cùng với việc thành lập và phát triển của Bộ Tư pháp, ở địa phương, hệ thống các cơ quan tư pháp bao gồm các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện và Ban Tư pháp cấp xã cũng được thành lập theo Sắc lệnh số 63/SL ngày 22-11-1945, Thông lệnh số 12-NV/CT ngày 29-12-1946 của Chủ tịch nước. Sau khi Bộ Tư pháp giải thể, Sở Tư pháp các tỉnh cũng được chuyển đổi thành Ban Pháp chế thuộc UBND tỉnh, thành phố. Sau khi Bộ Tư pháp được tái lập, hệ thống tư pháp ở địa phương được củng cố kiện toàn và phát triển.
Từ ngày được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành tư pháp đã vượt qua những khó khăn, thử thách, đoàn kết nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt là việc xây dựng nền tảng pháp luật của Nhà nước dân chủ nhân dân và xây dựng, tổ chức nền tư pháp nhân dân theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ, đóng góp vào thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và xây dựng đất nước trong những năm đầu lập lại hòa bình ở miền Bắc. Sau khi được tái lập, Bộ Tư pháp ngày càng phát triển, được Quốc hội, Chính phủ tin tưởng và giao nhiều nhiệm vụ mới, toàn ngành tư pháp đã tập trung thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trong đó, một trong những thành tích nổi bật nhất là được giao chủ trì soạn thảo những bộ luật, luật lớn có tính nền tảng của hệ thống pháp luật Việt Nam như Bộ luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật… đánh dấu sự phát triển về trình độ lập pháp của nước ta, làm nền tảng cho việc soạn thảo, ban hành các đạo luật quan trọng khác trong công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế.
Tiếp tục phát huy
Sở Tư pháp tỉnh Sông Bé (từ tiền thân là Ban Pháp chế thuộc UBND tỉnh) được thành lập sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sở Tư pháp tỉnh Sông Bé được chính thức thành lập theo Quyết định số 02/QĐ-UB ngày 17-2-1982 của UBND tỉnh. Sau khi chia tách và tái lập tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương chính thức được thành lập và hoạt động từ ngày 1-1-1997 với hơn 10 cán bộ công chức. Qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển ngành tư pháp Sông Bé - Bình Dương ngày càng hoàn thiện cả về mặt tổ chức và hoạt động theo lĩnh vực. Đến nay Sở Tư pháp đã được kiện toàn với đầy đủ các bộ phận giúp việc, đơn vị sự nghiệp trực thuộc với 59 công chức, viên chức và 28 hợp đồng.
Cùng với Sở Tư pháp, tổ chức, bộ máy, đội ngũ công chức, viên chức các phòng tư pháp các huyện, thị xã, thành phố đội ngũ công chức chuyên trách công tác tư pháp - hộ tịch cấp xã, các tổ chức bổ trợ tư pháp, tổ chức pháp chế sở, ngành, doanh nghiệp Nhà nước lần lượt được thành lập và ngày càng được củng cố, kiện toàn không ngừng lớn mạnh, ngày càng được nâng cao về chất lượng, hiệu quả công tác.
Với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao, sự chủ động, sáng tạo của công chức, viên chức, toàn ngành đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu giúp UBND địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; quản lý, xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; công chứng, chứng thực, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; trọng tài thương mại; hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, luật sư, tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; giám định tư pháp; hòa giải ở cơ sở; bán đấu giá tài sản và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức và công dân…
Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, mở rộng hội nhập khu vực và quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, chức năng, nhiệm vụ của ngành tư pháp ngày càng được mở rộng, tăng cường trên các lĩnh vực xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật và quản lý các lĩnh vực hoạt động tư pháp đã và đang tạo ra những cơ hội, thuận lợi lớn, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu, thách thức mới cho ngành tư pháp.
Bình Dương là địa phương năng động có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, dân số liên tục tăng, nhất là tăng dân số cơ học, số lượng doanh nghiệp khá lớn đặt ra cho tỉnh không ít khó khăn trong quá trình chỉ đạo điều hành. Trước yêu cầu, nhiệm vụ, đòi hỏi của thực tiễn, sự tín nhiệm của Đảng, chính quyền và nhân dân, toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động, ngành tư pháp tỉnh Bình Dương quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ mà lãnh đạo ngành cấp trên và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương giao phó, góp phần vào thành tích chung của ngành tư pháp và sự phát triển năng động của địa phương. Mỗi cán bộ công chức, viên chức ngành tư pháp sẽ không ngừng phấn đấu, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, phát huy tinh thần trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo trong công việc, xây dựng nội bộ đoàn kết, tiếp tục xây dựng ngành ngày càng trong sạch, vững mạnh, thực sự “Công bằng, liêm khiết, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” và là người “đầy tớ”, “công bộc” của dân như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với sự nỗ lực và thành tích đã đạt được, Sở Tư pháp Bình Dương đã 3 lần vinh dự được Bộ Tư pháp tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc vào các năm 2003, 2006, 2011, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc 10 năm đổi mới (1990-2000), Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng bằng khen tập thể điển hình tiên tiến 5 năm liền (2006-2010) và (2010-2015). Ngoài ra, nhiều tập thể và cá nhân của sở đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý khác như: Huân chương Lao động, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh, danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh...
BÙI DUY HIỀN (Giám đốc Sở Tư pháp Bình Dương)