Các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong dịp lễ:
Vui tươi và ý nghĩa
(BDO) Kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2017), Quốc tế lao động (1-5), khắp nơi trong tỉnh đã sôi nổi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật vui tươi và ý nghĩa.
Trung tâm Thành phố mới Bình Dương những ngày lễ vừa qua luôn thu hút khá đông người đến vui chơi, tham quan. Tại sân khấu ngoài trời, đông đảo khán giả địa phương và công nhân lao động đã có dịp sống lại không khí sục sôi, hào hùng của cuộc tổng tiến công lịch sử 1975 với chương trình nghệ thuật “Rạng rỡ tháng 4”. Chương trình gồm các tiết mục diễn hợp xướng hoành tráng tái hiện sinh động sự anh dũng trong chiến đấu của người Bình Dương nói riêng và người Nam bộ nói chung. Bên cạnh đó là các tiết mục hát, múa đi từ truyền thống ở phần đầu đến hiện đại theo chủ đề “Rạng rỡ tháng 4”. Góp mặt trong chương trình có các ca sĩ, nghệ sĩ: Anh Bằng, Cẩm Ly, Phi Nhung, Thế Vĩ, Thanh Ngọc, Đào Vũ Thanh, nghệ sĩ nhí Bảo Ngọc, Lê Phương, Trung Kiên và các nhóm nhạc, nhóm múa đến từ TP.Hồ Chí Minh. Với sự dàn dựng công phu và hoành tráng, chương trình đã góp phần ca ngợi những thành tựu đạt được của Bình Dương từ sau ngày giải phóng và sau 20 năm phát triển. Qua đó, tôn vinh những giá trị văn hóa - kinh tế của Bình Dương trong sự nghiệp phát triển chung của đất nước, đồng thời quảng bá rộng rãi hình ảnh truyền thông cho tinh thần phấn đấu xây dựng và phát triển một Thành phố mới Bình Dương năng động, hiện đại và hội nhập.
Lê Phương và Trung Kiên với bài “Hát về cây lúa hôm nay”
Trước đó, tại UBND phường Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một) đã diễn ra Hội thi ca cổ và cải lương năm 2017. Với chủ đề “Ngọt ngào làn điệu quê hương”, hội thi đã thu hút hơn 20 thí sinh đến từ CLB đờn ca tài tử phường và 7 khu phố trên địa bàn tham gia thi ca cổ và cải lương. Hội thi do UBND phường tổ chức, nhằm tạo sân chơi cho các nghệ nhân và người mộ điệu trên địa bàn phường Phú Thọ giao lưu, học hỏi, thể hiện khả năng ca cổ, cải lương. Qua đó, bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc nói chung và của Nam bộ nói riêng.
Triển lãm các ngành nghề truyền thống TX.Thuận An cũng đã thu hút hàng trăm lượt người đến thưởng lãm và nghiên cứu. Triển lãm diễn ra từ ngày 28-4 đến 3-5, với hơn 400 hiện vật do 41 nghệ nhân sưu tập được trưng bày. Các hiện vật bao gồm những sản phẩm đại diện cho các ngành nghề như: gốm, guốc gỗ, mộc, chạm, đan lát, heo đất, tranh kiếng, cây kiểng... Đây là các ngành nghề truyền thống của đất Lái Thiêu xưa và vẫn được lưu truyền, phát triển cho đến nay với nét văn hóa đặc sắc của địa phương.
Với thanh niên công nhân TX.Bến Cát, những ngày lễ vừa qua thật vui tươi và bổ ích. Bởi họ được tham gia và thưởng thức các phần thi đầy hấp dẫn của các thí sinh trong Hội thi thanh niên công nhân thanh lịch, tài năng lần III - năm 2017. Trải qua các vòng thi sơ tuyển, BTC đã tuyển chọn 42 thí sinh vào vòng bán kết. Tại vòng bán kết, các thí sinh đã cùng nhau tranh tài qua các phần thi trình diễn trang phục tự chọn, trang phục công sở và trang phục thể thao. Kết quả 20 thí sinh cao điểm nhất đã giành quyền bước vào vòng chung kết (dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 7-5 tới).
Trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, với những ai yêu thích sự yên tĩnh, thư thái thả hồn cùng những trang sách thì thư viện là một lựa chọn lý tưởng. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, Thư viện tỉnh đã tổ chức Triển lãm sách từ ngày 24 đến 30-4. Khoảng 300 bản sách và 20 thông tin chuyên đề hướng về Đại thắng mùa xuân lịch sử 1975 đã được trưng bày. Theo thống kê sơ bộ, triển lãm đã thu hút hàng trăm lượt độc giả đến tìm hiểu và đọc sách mỗi ngày.
MINH HIẾU