Vui buồn nghề nuôi dạy trẻ

Thứ sáu, ngày 07/10/2022

(BDO)  Cuối tuần vừa rồi tôi có cuộc hẹn với đứa em cùng quê. Suốt cả buổi chỉ thấy nó ngồi than vắn, thở dài về công việc vì thời gian gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ không hay về giáo viên, bảo mẫu của các trường mầm non khiến dư luận có cái nhìn đầy khắt khe, thiếu thiện cảm với giáo viên mầm non. Vừa nhấp ngụm nước, tôi vừa thỏ thẻ với cô em mình rằng trước kia thiếu gì ngành nghề để học mà lại chọn cái nghề vất vả như nghề giáo viên mầm non (GVMN) này. Nó chỉ im lặng rồi cười trừ…

 Chỉ có lòng yêu nghề, mến trẻ mới giúp các giáo viên mầm non bám trụ với nghề

 Một ngày bận rộn

Mang theo những băn khoăn, suy nghĩ sau cuộc trò chuyện với đứa em cùng quê và để có thể hiểu hết được một ngày làm việc của các GVMN, chúng tôi đã có mặt tại một số trường mầm non công lập và tư thục trên địa bàn tỉnh để được tận “mục sở thị” công việc hàng ngày của họ. Điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy đó là các cô giáo tất bật ngay từ khi ngày làm việc mới bắt đầu vào lúc hơn 6 giờ sáng và kết thúc vào lúc 17, 18 giờ chiều. Cả một ngày, các cô giáo mầm non cứ phải luôn tay, luôn chân với các công việc, như: Đón trẻ, cho trẻ tập thể dục, ăn sáng, vệ sinh, dạy học, cho trẻ ăn trưa, đi ngủ, trẻ dậy thì cho ăn bữa xế... Những công việc đó cứ lặp đi lặp lại liên tục tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế có chứng kiến mới thấu hiểu được những vất vả mà các cô gặp hàng ngày.

Vừa ôm ấp, dỗ dành một trẻ khóc nức nở trên vai lại phải đi tới để đón bạn khác vừa được phụ huynh dắt tới, cô Trần Thị Hòa, giáo viên trường Mầm non Tuổi Ngọc, TP.Thủ Dầu Một, cười nói: “Việc này xảy ra thường xuyên đối với tụi em nên cũng quen rồi chị. Nhiều bé chưa quen với việc đi học nên sáng nào tới lớp cũng khóc ầm ĩ đòi ba mẹ không chịu nín nên cô giáo phải ẵm trên vai suốt buổi, không chịu rời cô”.

Trong một tiết học tô màu của lớp mầm, cô Ngô Thị Hương, giáo viên nhóm trẻ Hòa Bình ở phường Đông Hòa, TP.Dĩ An, vừa ổn định lớp được vài phút thì các bé lại chạy lung tung. Thậm chí có bé còn “nhiệt tình” bẻ luôn bút chì màu, xé luôn bức tranh cô giáo vừa phát ra. Ấy thế mà cô Hương vẫn cười hiền nói, các bé lớp mầm chỉ mới 2 - 3 tuổi, còn quá nhỏ để đòi hỏi các con phải ý thức được nề nếp. Thực ra, để các con chịu lắng nghe, hào hứng với tiết học cần phải có kinh nghiệm. Kinh nghiệm ấy phải được tích lũy dần qua thời gian gắn bó với nghề.

Buổi trưa cũng là thời điểm căng thẳng khi bước vào bữa ăn. Ở đây, có muôn vàn tình huống xảy ra, có những trẻ ăn uống nhanh gọn, sạch sẽ nhưng cũng có trẻ ngồi mãi mới ăn được vài miếng. Các cô lại phải tới đút từng muỗng một. Chuyện các cháu đổ cơm rồi ói ra gần như hôm nào cũng có. Khi trẻ ngủ, tưởng như đây là thời điểm các cô được “thả mình”, nhưng ăn vội xong bữa trưa, các cô lại phải lên lớp để dỗ dành những trẻ mới đi học bỗng giật mình òa khóc trong giấc ngủ. Rồi có những bé tè dầm, các cô lại phải vệ sinh, thay áo quần rồi giặt chăn gối… Hầu như các cô sẽ không có được giờ nghỉ trưa đúng nghĩa.

Một ngày ở cùng các bé, điều chúng tôi dễ nhận thấy nhất đó là vấn đề các cô thường xuyên nghe: “Cô ơi bạn này đánh con”, “Thưa cô bạn X. không cho con chơi cùng”, “Cô ơi bạn phá đồ chơi của con rồi”… và muôn vàn lý do khác để các bé đi “kiện tụng” với cô giáo. Ngay lập tức “tòa án di động” được các cô thiết lập để giải quyết các cuộc thưa gửi không hồi kết của các em. Không ít người cho rằng, công việc của một GVMN không có gì vất vả, vì chỉ có cho các bé ăn rồi chơi cùng. Nhưng quả thật có làm mới biết mọi việc không hề đơn giản, một ngày các cô vừa là mẹ, vừa là cô, vừa là bảo mẫu, vừa là diễn viên với hàng trăm công việc không tên.

Áp lực bủa vây

Thời gian vừa qua, trên các phương tiện truyền thông liên tiếp xuất hiện thông tin về một số vụ việc GVMN, bảo mẫu bạo hành trẻ hoặc có những hành động không đúng chuẩn mực của một nhà giáo ngay trong lớp học. Những câu chuyện này khiến dư luận hết sức phẫn nộ, lên án gay gắt. Chính tình trạng “một con sâu làm rầu nồi canh” đã khiến những GVMN chân chính có lòng yêu thương trẻ gặp không ít áp lực.

 Giáo viên mầm non phải chăm chút tỉ mỉ cho trẻ từ bữa ăn đến giấc ngủ

Cô Phạm Thị Cẩm Hương, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Hồng 2 (phường Bình An, TP.Dĩ An), tâm sự: “Nghề GVMN khổ nhất là dịp đầu năm. Đây là thời điểm việc quản lý các cháu rất vất vả, nhất là những giáo viên đảm nhận nhóm lớp nhà trẻ và lớp mầm. Trẻ mới đến trường còn lạ lẫm chưa quen với việc xa ba mẹ nên khóc, có những cháu khóc suốt hàng tháng trời. Rồi chỉ cần một phút không tập trung là trẻ cào cấu nhau, đánh nhau… Chỉ những cô thực sự nhẫn nại, thực sự yêu trẻ mới giữ được bình tĩnh trong các tình huống ấy. Hoàn thành việc trường là chưa đủ, các cô còn phải tham gia các phong trào, hoạt động ở các cấp phát động”.

Thời gian vừa qua, trên các phương tiện truyền thông liên tiếp xuất hiện thông tin về một số vụ việc GVMN, bảo mẫu bạo hành trẻ hoặc có những hành động không đúng chuẩn mực của một nhà giáo ngay trong lớp học. Những câu chuyện này khiến dư luận hết sức phẫn nộ, lên án gay gắt. Chính tình trạng “một con sâu làm rầu nồi canh” đã khiến những GVMN chân chính có lòng yêu thương trẻ gặp không ít áp lực.

Trong khi đó, cô Lê Thị Hoa, bảo mẫu trường Mầm non Ngôi Sao Việt ở TP.Thuận An, người có gần 10 năm kinh nghiệm trong nghề kể, trẻ nhỏ thường hiếu động, trong lớp có thể đùa giỡn hoặc cào cấu nhau, đôi khi chỉ cần một phút không để ý là cô giáo trở tay không kịp. Nhiều phụ huynh rất tôn trọng giáo viên nhưng có không ít phụ huynh tỏ thái độ khó chịu với cô giáo. Thậm chí có phụ huynh không nói gì với giáo viên mà gọi điện trực tiếp cho hiệu trưởng để kiện cáo, không cho giáo viên có cơ hội giải thích.

Còn với chị Trần Thị Loan, một giáo viên từng dạy tại một trường mầm non tư thục trên địa bàn TP.Thuận An thừa nhận, do áp lực công việc quá lớn nên chị phải nghỉ việc để xin đi làm công ty. Nhớ lại quãng thời gian làm GVMN, chị Loan ngậm ngùi chia sẻ: “Ra trường không xin được việc nên mình xin vào làm mầm non tư thục. Cứ nghĩ mọi chuyện sẽ êm đềm nhưng khi vào làm mình mới thấy được áp lực như thế nào. Ở nhà trông một đứa trẻ đã rất mệt nhưng ở trường 2 cô trông một lớp 30 em. Cuối ngày dù có mệt mỏi chừng nào vẫn phải niềm nở tươi cười để trả trẻ. Nhiều lúc bị phụ huynh “mắng vốn” vì những lý do nhỏ nhặt, đêm về nghĩ lại tủi thân nước mắt cứ thế chảy dài. Việc làm thì nhiều nhưng đổi lại thu nhập của các cô lại vô cùng thấp, đó cũng chính là lý do nhiều người từ bỏ công việc GVMN này”.

Có lẽ điều cô giáo nào cũng canh cánh bên lòng mỗi khi đến trường là bảo đảm an toàn cho học sinh. Từ lúc đón trẻ đến dạy học, ăn, uống, lúc vui chơi hay trong giấc ngủ..., các cô đều phải theo dõi, xử lý kịp thời và làm hài lòng phụ huynh. Những áp lực ấy khiến các cô chỉ khi nào bước chân ra khỏi cổng trường mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Mỗi nghề đều có những nỗi khổ riêng, nhưng đối với nghề GVMN, trong việc giáo dục những mầm non tương lai của đất nước họ phải chịu những ánh mắt soi xét của nhiều người. Có lẽ đúng như các cô giáo đã tâm sự, chỉ có lòng yêu nghề, mến trẻ mới giúp họ bám trụ với nghề.

 HỒNG PHƯƠNG